ĐĂNG NHẬP  
image banner
 
QUỲ CHÂU - VÙNG ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng rừng núi tây bắc Nghệ An, Quỳ Châu là mảnh đất có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Thiên nhiên đã ban tặng cho Quỳ Châu nhiều danh lam, thắng cảnh hùng vĩ và hữu tình như: rừng rậm, núi cao, sông sâu, thác lớn, hang động có nhiều thạch nhũ đẹp; cùng với mạng lưới sông, suối đan xen dày đặc, tưới mát cho những thung lũng phù sa màu mỡ. Chính trên mảnh đất này, hơn hai mươi vạn năm trước, những “người khôn ngoan” (Homosapiens) đầu tiên, biết chế tạo công cụ lao động đã cư ngụ ở đây - “Người Thăm Ồm”. Kết quả khảo sát hệ thống hang động nằm trong các dãy núi đá vôi thuộc vùng Thượng Pu Pai và Hạ Pu Pai của khoa học khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích của “các thế hệ con cháu người Thăm Ồm” từ thời Tiền sử cho đến khi bước vào xã hội văn minh. Sự phong phú, đa dạng của các nguồn thức ăn từ rừng xanh đại ngàn, từ sông và khe suối, cộng với sự phì nhiêu của đất đai trong các thung lũng đã cuốn hút con người từ nhiều nơi quy tụ về đây dựng bản lập mường, xây dựng cuộc sống thuận hoà và thịnh đạt từ bao đời nay.

Các thế hệ người dân Quỳ Châu rất tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương mình. Trong quá trình khai phá, tạo lập, xây dựng, bảo vệ và phát triển bản làng, các cộng đồng cư dân Quỳ Châu, mà đa số là đồng bào dân tộc Thái, đã đúc kết nên những giá trị đặc sắc trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Những truyền thuyết, huyền thoại kể về một thời oanh liệt, hào hùng thuở “khai sơn, phá thạch” dựng bản, lập mường được nói đến trong những truyện thơ nổi tiếng như: “Lái lông mương”, “Lái Khủn Chưởng”; hay những cọn nước, nhà sàn; những bộ trang phục truyền thống, gắn với nghề dệt thêu thổ cẩm; những điệu nhuôn, xuối, khắc luống, nhảy sạp và hàng trăm món ẩm thực truyền thống mang đậm hương vị núi rừng như: canh bon, canh ột, hò-moọc, chỉn-xồm, lẩu-xạ… đều đã gắn bó mật thiết, sâu đậm trong cuộc sống và tâm thức của mỗi người dân Quỳ Châu.

Mảnh đất Quỳ Châu còn nổi tiếng bởi những di tích danh thắng và những lễ hội mùa xuân như: Thăm Ồm, Tôn Thạt, Thăm Chạng, lễ tế thần ở đền Chiềng Ngam, lễ hội Hang Bua, lễ hội hang Có Ngụn và leo núi Phá Xăng, những làng Thái cổ… Tất cả đã góp phần làm cho Quỳ Châu ngày càng trở nên hấp dẫn hơn và thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Nhân dân Quỳ Châu có truyền thống yêu nước nồng nàn, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV, Quỳ Châu là một trong những địa bàn hoạt động quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, mảnh đất Quỳ Châu lại chứng kiến những trận chiến đấu oanh liệt của các nghĩa sỹ yêu nước chống thực dân Pháp. Gương hy sinh anh dũng của Đốc binh Lang Văn Thiết mãi mãi là niềm kiêu hãnh và tự hào của các thế hệ người dân Quỳ Châu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Quỳ Châu đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, với truyền thống anh dũng, kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước; cần cù, thông minh và sáng tạo trong lao động sản xuất; tài hoa và tinh tế trong đời sống văn hóa tinh thần; nhân dân các dân tộc Quỳ Châu đã cùng nhau đoàn kết làm cho quê hương Quỳ Châu ngày càng khởi sắc; diện mạo Quỳ Châu ngày càng đổi mới; đời sống chính trị, quốc phòng - an ninh luôn được củng cố và ổn định. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quỳ Châu quyết tâm phấn đấu, sớm đưa Quỳ Châu trở thành một huyện phát triển vững mạnh, toàn diện về mọi mặt của vùng tây bắc Nghệ An.

(Nguồn: Địa chí huyện Quỳ Châu - Xuất bản tháng 2/2012)