Những khó khăn mới thành lập
Tháng 5/1973, Chi cục Kiểm lâm ra Quyết định bổ nhiệm đồng
chí Vi Văn Tuyên - Ủy viên thư ký UBND huyện, làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện.
Kể lại quãng thời gian mới hình thành không thể quên đó đồng chí Vi Văn Tuyên
cho biết: “Điều kiện cơ sở vật chất khi
đó rất khó khăn, trụ sở Hạt Kiểm lâm đóng trong khuôn viên của UBND huyện, văn
phòng làm việc chỉ có gian nhà tranh. Hình thành trụ sở làm việc nhưng chỉ có
được 2 đồng chí không có chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến lâm nghiệp. Một thời
gian sau, cơ quan mới được điều động thêm 8 đồng chí là cán bộ từ các phòng,
ban được điều động, biên chế cho Hạt Kiểm lâm. Vừa khó khăn về cơ sở vật chất,
đồng thời cán bộ Kiểm lâm thiếu chuyên môn nghiệp vụ nhưng tập thể lúc bấy giờ
luôn được xác định rõ nhiệm vụ
được giao.
Lực lượng kiểm lâm Quỳ Châu tham gia công tác diễn tập PCCCR hàng năm
Với đặc thù là huyện miền núi cao, đời sống kinh tế khó
khăn gấp nhiều lần những địa phương khác. Người dân sống dựa vào rừng nên việc
phát nương, làm rẫy diễn ra thường xuyên. Vai trò của Kiểm lâm lúc đó chính là
phải làm sao vận động được người dân thay đổi tập quán canh tác. Để làm được, đầu
tiên được xác định đó chính phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư dần thay đổi
nhận thức của từng gia đình. Từ đó, lực lượng Kiểm lâm tổ chức nhiều biện pháp
như phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền ý nghĩa
công tác giữ rừng, bảo vệ rừng. Đồng thời, đưa công tác bảo vệ rừng vào quy ước,
hương ước của từng bản làng.
Bên cạnh giữ rừng từ ngăn chặn phát nương làm rẫy, lực lượng
Kiểm lâm cũng đối mặt với đối tượng phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Nhiều
nơi, nhiều thời điểm lâm tặc chặt phá rừng khai thác gỗ sẵn sàng chống đối kiểm
lâm và lực lượng bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm đã phải thường xuyên lên kế hoạch
các điểm nóng, tăng cường lập các chốt chặn ở các địa bàn trọng điểm để ngăn chặn
nạn phá rừng. Cũng từ những thách thức của thực tế mà bản lĩnh, tính chuyên môn
trong công việc, trong mỗi cán bộ Kiểm lâm ngày càng được nâng cao.
Giữ màu xanh cho những cánh
rừng
Trải qua 50
năm xây dựng cùng với sự đi lên của đất nước, được sự quan tâm của Đảng và Nhà
nước, Lực lượng Kiểm lâm Quỳ Châu từng bước được đổi mới, lớn mạnh về mọi mặt.
Quân số từ buổi đầu 2 đồng chí dần dần được bố trí thêm số lượng người. Đến thời
điểm này, Hạt kiểm lâm có 19 đồng chí cán bộ,
công chức và người lao động có sức trẻ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng
được yêu cầu cao trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Bất kể ngày mưa hay nắng, buổi đêm hay ban ngày, không quản rừng
sâu, núi cao, không quản khó khăn, gian khổ và những nguy hiểm có thể đe dọa đến
tính mạng, nơi nào có rừng là nơi đó có bàn chân cán bộ Kiểm lâm kịp thời đến
theo yêu cầu người dân hay chính quyền địa phương điều động.
Kiểm lâm địa bàn hỗ trợ cùng người dân xây dựng rừng trồng để đạt chứng nhận FSC
Trong quá trình thành
50 năm qua, lực lượng kiểm lâm nhận
được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Chi cục Kiểm lâm, Thường trực
Huyện ủy - HĐND - UBND huyện. Chính quyền địa phương cũng xác định công tác bảo
vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội của huyện nhà. Từ đó, thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp ủy
Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, và Lực lượng
Kiểm lâm thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả. Trong nhiều
năm qua, đã hạn chế được các vụ cháy rừng xẩy ra; phong trào trồng rừng phủ
xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng
phát triển mạnh, diện tích rừng và độ che phủ của rừng ngày một tăng.
Công tác quản lý, xử lý các vụ liên quan đến vi phạm lâm
luật cũng được thực hiện nghiêm minh. Tính 10 năm trở lại đây, Hạt Kiểm lâm đã phát hiện 794 vụ vi phạm
trong lĩnh vực Bảo vệ phát triển rừng và lĩnh vực Lâm nghiệp. Trong đó, xử lý
hành chính 778 vụ; chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Quỳ Châu khởi
tố vụ án, khởi tố bị can 16 vụ/ 24 bị can. Tịch thu lâm sản hơn 1.000 m3
gỗ tròn và gỗ xẻ các loại; Động vật rừng: 167 kg; Củi: 75,036 Ster; Lâm sản
ngoài gỗ: 2.950 kg; Tổng thu nộp ngân sách Nhà nước 4.514.326.120 đồng. (Bốn tỷ,
năm trăm mười bốn triệu, ba trăm hai mươi sáu nghìn, một trăm hai mươi đồng).
Những thánh thức đáp ứng yêu cầu mới
Những năm gần đây diện tích rừng tự nhiên đang có chiều
hướng suy giảm, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có
nhiều Dự án, chính sách hỗ trợ nhân dân miền núi nhưng tỉ lệ hộ nghèo, cận
nghèo của địa phương ta vẫn còn ở mức cao. Thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm,
thu nhập thấp, nhiều hộ gia đình còn sống phụ thuộc vào rừng vì vậy mà công tác
Quản lý, bảo vệ rừng đặt ra nhiều thách thức lớn.
“Trong thời gian tới,
Hạt Kiểm lâm đã đưa ra nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát
triển rừng như, thường
xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân
dân; Hàng năm tham mưu cho
UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác
Lâm nghiệp; Chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng,
chính quyền địa phương các xã thực hiện đầy đủ các biện
pháp PCCCR; Tăng
cường hơn nữa công tác để kiểm tra, xử lý các khu vực khai thác rừng, phá rừng,
khai thác khoáng sản, săn, bắt, bẩy động vật rừng hoang dã, các cơ sở chế biến,
kinh doanh lâm sản trái pháp luật. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền địa phương định hướng phát triển
kinh tế từ rừng, đây là 1 trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế, Đại hội
Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 như quản lý, định hướng các cơ sở
kinh doanh giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Đồng hành cùng các chính quyền địa
phương xây dựng các mô hình “Trồng rừng gỗ lớn” nhằm thực hiện tốt công tác phát
triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho
người dân, phát huy tiềm
năng, thế mạnh của địa phương. Từ những nhiệm vụ
trên cho thấy, cán bộ Kiểm lâm mang trọng trách lớn, không đơn thuần là người
thừa hành pháp luật mà còn thực hiện các nhiệm vụ phát triển rừng, hướng dẫn
người dân làm giàu từ nghề rừng.”- Đồng chí Lê Hải Lý- Phó Chủ tịch UBND huyện
mong muốn.
Nhìn lại 50 năm qua, lực lượng Kiểm lâm cả nước, trong đó có
Kiểm lâm Quỳ Châu đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, vượt qua muôn vàn
khó khăn và thử thách để giữ gìn màu xanh cho quê hương, đất nước. Trước thực tế
là tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, tệ nạn phá rừng, cháy rừng, khai thác và
buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn xảy ra. Tình hình và nhiệm vụ mới đòi
hỏi lực lượng Kiểm lâm phải thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực
lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và
chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan; đẩy mạnh
công tác tuyên truyền giáo dục; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng
nhân dân, không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực để lực lượng Kiểm lâm có thể
hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề mà Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng
giao cho, mãi mãi xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong trong sự nghiệp quản
lý, bảo vệ và phát triển rừng./.
Bé Vinh