Xã hội chung tay xây dựng những “tế bào” gia đình khỏe mạnh- chấm dứt bạo lực gia đình
Kết hợp tuyên truyền luật phòng chống, lên án các hành vi bạo lực gia đình tại các địa phương cũng như trường học
Theo
thống kê năm 2023, trên địa bàn huyện Quỳ Châu có 74 vụ ly hôn, trong đó các vụ
ly hôn từ bạo lực gia đình chiếm trên 70%. Việc hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh
hưởng đến cuộc sống của gia đình, người thân mà còn gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Bởi
gia đình là “tế bào” của xã hội, khi “tế bào” không “khỏe” thì xã hội bị ảnh hưởng
nhiều mặt. Sau những cuộc ly hôn, nhiều trẻ em sống trong cảnh thiếu tình
thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha, mẹ; nhiều trường hợp cha, mẹ đều
không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, lớn lên nhờ sự cưu mang của người thân, có
trường hợp bị bỏ rơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nhân cách và lối sống
của trẻ, dẫn tới phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật, nảy sinh nhiều vấn
đề xã hội.
Bạo lực gia đình là vi phạm đến quyền con người một cách nghiêm trọng,
trong đó có quyền của cả trẻ em thế nhưng nhiều người bị bạo lực lại có
suy nghĩ sợ “vạch áo cho người xem
lưng”, thương con cái không dám đấu tranh, lên án mình đã từng bị đánh đập
nên số vụ “bạo lực gia đình ngày càng tiếp
diễn”. Bà Nguyễn Thị Phượng – Chi hội trưởng phụ nữ bản Can, xã Châu Bình một trong những địa phương trước đây có những vụ
bạo lực gia đình xảy ra chia sẻ: “Những người bị bạo lực, họ rất tự ti, e ngại,
tránh né những khó khăn đang gặp phải. Nhiều người khi chúng tôi biết thông tin
thường xuyên bị bạo hành có đến tận nhà chia sẻ họ không muốn nói.”
CLB Phòng chống bạo lực gia đình Bản Can xã Châu Bình là mô hình cấp tỉnh
Theo
rà soát cho thấy, nguyên nhân bạo lực gia đình là do ảnh hưởng từ tệ nạn xã hội
và từ nhận thức về định kiến giới “trọng nam kinh nữ”- nhất là các vùng sâu,
vùng xa, kinh tế gia đình khó khăn. Nam giới tự cho mình quyền được dạy vợ và
coi bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình, không cần có sự can thiệp
của người khác. Nhiều người có quan niệm, bạo lực gia đình như một biện pháp để
giải quyết những mâu thuẫn, vì vậy ngay chính trong cộng đồng việc giải quyết
phòng chống bạo lực gia đình chỉ mang tình hình thức nhiều hơn là giải quyết “gốc
rễ” vấn đề.
Bản
Kẻ Can trước đây cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực ở một số
hộ. Nhận thấy được thực trạng trên, tháng 8/2022 Ban quản lý bản đã đứng ra tổ
chức CLB ngăn chặn, phòng chống BLGĐ với một Ban chủ nhiệm gồm 3 người và 45
thành viên. Hơn 2 năm triển khai thực hiện,
CLB đã tổ chức truyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước,
giáo dục đạo đức, văn hóa truyền thống, gia đình, dòng họ. Đồng thời, tuyên
truyền được cách thức ứng xử, giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong
gia đình, cách chăm sóc sức khỏe cho người già, phụ nữ và trẻ em. Giáo dục kiến
thức, kỹ năng cho thanh niên chuẩn bị kết hôn và phổ biến cả những kiến thức
phát triển kinh tế gia đình. Từ một bản được nhận định còn nhiều vụ bạo lực gia
đình ít được kiểm soát, tố cáo thì đến nay CLB đã trở thành địa chỉ tin cậy của
nhiều gia đình có mâu thuẫn giữa các thành viên. Cụ thể, đã tiến hành can thiệp
phòng chống bạo lực gia đình cho 4 gia đình, hòa giải 2 gia đình mất đoàn kết.
Ông
Lô Quang Lục – Chủ nhiệm CLB phòng chống bạo lực gia đình bản Kẻ Can cho biết:
“Khi nắm được thông tin có vụ bạo lực gia đình được báo lên, Ban chủ nhiệm
nhanh chóng thông tin đến các thành viên đến nhà để người bị bạo lực cần hỗ trợ
gì chung tôi sẵn sàng giúp đỡ. Nếu vụ bạo lực quá tầm kiểm soát của CLB thì sẽ
có sự hỗ trợ của Công an xã vào cuộc lập biên bản xử lý theo thẩm quyền. Đối với
CLB, chúng tôi thường tổ chức sinh hoạt đều đặn mỗi tháng 1 lần, cứ 3 tháng CLB
lại tổ chức sinh hoạt chuyên đề với các nội dung xoay quanh về việc bình đẳng
giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, những CLB hoạt động tốt, đổi mới nội dung, triển
khai hiệu quả đã giúp hạn chế các vụ BLGĐ trong 2 năm trở lại đây.”
Nhiều vụ việc từ bạo lực gia đình gây ra cho thấy,
bạo lực gia đình tác động đến nhiều đối tượng, đặc biệt là các nạn nhân trực
tiếp, họ sẽ bị tổn thương về thể xác, nhẹ thì bầm tím, trầy xước đau đớn,
nặng thì thương tật, làm giảm hoặc mất khả năng lao động, thậm chí tàn tật và dẫn
đến tử vong, hoặc bị tổn thương tâm lý trầm trọng gây ra những rối loạn
tâm lý như trầm uất, hoang tưởng. Bạo lực gia đình còn ảnh hưởng tới quá trình
phát triển của các trẻ em sống trong gia đình có bạo lực.
Nhằm nâng cao công tác phòng chống bạo lực
gia đình, trong những năm qua, toàn huyện đã xây dựng được 14
CLB phòng chống BLGĐ ở các xã, thị trấn, trong đó có một mô hình cấp tỉnh ở bản
Kẻ Can, xã Châu Bình. Hội LHPN huyện xây dựng 12 chỉ tin cậy ở 12 xã, thị trấn.
Có 4 mô hình địa chỉ tin cậy ở Châu Phong, Châu Thuận, Châu Bình và Diên Lãm-
thuộc dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải
quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” hỗ trợ kinh phí 15 triệu
đồng để mua các đồ dùng như: Giường, tủ, bàn ghế, nồi cơm điện, chăn, màn, quạt…
Nâng cao công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để công tác phòng chống bạo lực gia đình chấm dứt nhằm lan tỏa tình yêu thương ở mỗi "tế bào" xã hội
Với
chủ đề “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” về phòng chống bạo lực gia đình
năm 2024, đồng chí Lê Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND đã đề nghị các cơ quan, đơn vị,
từng gia đình, cá nhân có những hành động thiết thực, tôn vinh giá trị tốt đẹp
của gia đình Việt; Nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của gia đình trong
sự nghiệp chung của toàn xã hội;Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình, triển khai thực hiện đồng bộ các giải
pháp trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình hành động quốc
gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình trong năm 2024.
Đồng
thời, nhằm nâng cao hiệu quả công tác gia đình và PCBLGĐ thời gian tới, các cấp,
các ngành trong huyện tiếp tục nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực
gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục giá trị của gia đình trong tình hình
mới; tăng cường tổ chức tập huấn phổ biến Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ
em, Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người
dân trong ứng xử gia đình. Huy động sức mạnh trong dư luận, nâng cao trình độ
hiểu biết và năng lực của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, tạo nền tảng để
xây dựng xã hội hạnh phúc và phát triển bền vững với phương châm “Gia đình là tế
bào của xã hội -Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát
triển bền vững.”
Bé
Vinh
Trung tâm VHTT&TT Quỳ Châu