ĐĂNG NHẬP  
image banner
 
NHÌN LẠI 05 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH” HUYỆN QUỲ CHÂU, GIAI ĐOẠN 2020-2025.

Ngày 28/12/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu đã ban hành Chương trình số 10-CTr/HU về Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳ Châu, giai đoạn 2020-2025. Chương trình đã cụ thể một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đề ra, đó là “Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng phục vụ du lịch, tập trung cho phát triển du lịch, di tích danh thắng, du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng”

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Ngày 28/12/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu đã ban hành Chương trình số 10-CTr/HU về Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳ Châu, giai đoạn 2020-2025. Chương trình đã cụ thể một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đề ra, đó là “Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng phục vụ du lịch, tập trung cho phát triển du lịch, di tích danh thắng, du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng”.

Ngay sau khi Chương trình được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Bám sát thực tiễn yêu cầu của địa phương, Ban Thường vụ đã có nhiều chủ trương, chính sách đảm bảo trong phát triển kinh tế - văn hóa gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịc sinh thái.

Đi vào triển khai thực hiện, trên lĩnh vực văn hóa, cấp ủy chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, các sự kiện chính trị của địa phương như: Tổ chức đêm giao lưu văn nghệ mừng Đảng mừng xuân hàng năm; Hội diễn văn nghệ quần chúng các làng bản, khối văn hóa; Hội diễn văn nghệ các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái; Chương trình điểm hẹn cuối tuần; Ngày hội hương sắc Miền Tây; Liên hoan tiếng hát làng sen; Liên hoan tiếng hát dân ca trường học; Duy trì việc tổ chức Lễ hội Hang Bua hàng năm… tạo khí thế vui tươi phấn khởi, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.  

Trong lĩnh vực thể thao, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã được đẩy mạnh, gắn với việc phát triển phong trào thể thao tại cơ sở. Các môn thể thao hiện đại như: Bóng đá, chuyền bóng, bóng bàn, cầu lông, Tennis cùng với các môn thể thao truyền thống như: Bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn… thường xuyên được tổ chức trong các giải thể thao nhân các ngày lễ, kỷ niệm của quê hương, đất nước, đặc biệt như sự kiện Lễ kỷ niệm 600 danh xưng Qùy Châu (1415-2015) và đón nhận Huân chương lao động Hạng Ba của Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện Qùy Châu (1947-2017)…

Hàng năm, huyện tổ chức Tháng hành động thể dục, thể thao và phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân thu hút trên 10.000 lượt người tham gia trên địa bàn huyện. Huyện đã mở 18 lớp/510 học viên tham gia học bơi cho các em học sinh trên địa bàn huyện; tổ chức giải bơi “Đường đua xanh” cho các cháu thiếu niên nhi đồng huyện Quỳ Châu; thực hiện chương trình hỗ trợ bể bơi cho 11 đơn vị trường học trên địa bàn tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới sân vận động huyện rộng 4,5 hécta quy mô 3000 chỗ ngồi với tổng kinh phí đầu tư là 28 tỷ đồng; duy trì các lớp năng khiếu như: Bóng đá thiếu niên nhi đồng, cầu lông, bóng chuyền trẻ THCS, bơi lặn... duy trì hoạt động của 62 câu lạc bộ thể thao theo sở thích; chỉ đạo Phòng GD&ĐT đưa vào giảng dạy một số môn thể thao như: Cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh, quần vợt cho học sinh.

Nhờ đó, Quỳ Châu đã đạt được nhiều thành tích cao. Tại Đại hội thể dục thể thao tỉnh Nghệ An đạt 3 HCV, 2 HCB và 9 HCĐ; giải thể thao Gia đình tỉnh Nghệ An đạt 1 HCV, 2 HCB; Hội thao các dân tộc thiểu số năm 2023 đạt 07 HCV, 02 HCB, 03 HCĐ và giải Ba toàn đoàn; Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số năm 2024 đạt 05 HCV, 04 HCB, 04 HCĐ.

Về lĩnh vực du lịch, Quỳ Châu đã tập trung các nguồn lực từ các Chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, của huyện bên cạnh tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy chính quyền cấp tỉnh để đầu tư nguồn lực, vật lực, nhân lực và kết cấu hạ tầng phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2020-2021, huyện đã phối hợp với Ban Quản lý di tích tỉnh tu bổ, nâng cấp xây dựng mới khu di tích mộ Đốc binh Lang Văn Thiết tại xã Châu Nga và di tích lịch sử văn hóa danh thắng Hang Bua với tổng kinh phí 1 tỷ đồng.

Năm 2022, huyện phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao triển khai các dự án “Nâng cấp Bảo tàng văn hóa các dân tộc Miền Tây Nghệ An” tại Quỳ Châu với tổng kinh phí 25 tỷ đồng; “Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại bản Hoa Tiến”, tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu với tổng kinh phí 14,9 tỷ. Phối hợp tổ chức hội thảo khoa học và lập quy hoạch 2 khu du lịch thác Khe Bàn, xã Châu Bình và làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến xã Châu Tiến; lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 công viên sinh thái Kẻ Lè xã Châu Hội....Trong giai đoạn  2021-2024, huyện bố trí ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tổng kinh phí gần 790 triệu đồng; cộng thêm số tiền từ ngân sách tỉnh hỗ trợ là 1,07 tỷ đồng.

Anh-tin-bai

Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch cũng từng bước được Quỳ Châu quan tâm thực hiện. Trong nhiệm kỳ qua, huyện đã tổ chức được 06 lớp với 460 học viên tham gia tập huấn công tác quản lý nhà nước về du lịch, nghiệp vụ du lịch; tổ chức 02 đoàn công tác đi học tập trao đổi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, huyện đã chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá về tiềm năng du lịch, các điểm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, các danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh trên các phương tiện truyền thông, ứng dụng các nền tảng số. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các Đài truyền hình gồm: VTC10, NTV, VTV1, Truyền hình Quân đội, Báo Nghệ An, Báo thông tấn xã Việt Nam; Trung tâm sản xuất & phát triển nội dung số Đài Truyền hình Việt Nam... xây dựng 11 phóng sự, tin bài gồm các nội dung như: Trải nghiệm du lịch miền Tây Nghệ An, Người giữ hồn văn hóa Thái; “Hiệu quả từ việc hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch; Phát huy xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở, hiệu quả từ mô hình bảo tồn thủy sản Cá mát Nậm Cướm xã Diên Lãm, Bảo tồn văn hóa Thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng; Người giữ gìn văn hóa Cồng chiêng; Phóng sự Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc huyện Qùy Châu; Qùy Châu: Nơi mỗi giác quan đều được thức tỉnh; Khai phá tiềm năng du lịch ở Miền Tây Nghệ An...

Các bài viết, phóng sự, hình ảnh về văn hóa gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống; về du lịch được đăng tải nhiều lên các trang mạng xã hội. Qua đó, các giá trị văn hóa, du lịch Qùy Châu ngày càng lan tỏa sâu rộng, tạo dấu ấn đậm nét về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch các danh lam thắng cảnh, lịch sử văn hóa góp phần thức đẩy phát triển du lịch địa phương. Nhờ đó, trong hơn 4 năm qua, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đạt trên 52 nghìn lượt người, doanh thu từ các dịch vụ du lịch ước đạt 10,5 tỷ đồng.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo. Ở huyện đã thành lập 14 Câu lạc bộ cấp huyện, trong đó 12 Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái, 02 Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; thực hiện duy trì hoạt động của 11 Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái cấp xã, 18 Câu lạc bộ thôn/bản, 84 đội văn nghệ khối/bản trên địa bàn. Riêng Phòng GD&ĐT huyện thành lập 5 Câu lạc bộ, đội văn nghệ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ các hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng; đưa phong trào hát dân ca vào trường học.

Quỳ Châu đã mở 11 lớp/435 học viên học chữ Thái, 06 lớp/210 học viên học nhạc cụ dân tộc, 07 lớp/240 học viên lớp dân ca, dân vũ đồng bào Thái; thành lập Tổ công tác truyền dạy bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Thái gồm 22 thành viên là các nghệ nhân ưu tú, người am hiểu văn hóa Thái...

5 năm qua, các thiết chế văn hóa, thể thao ở Quỳ Châu cũng đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Cụ thể, đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa 32 nhà văn hóa làng bản, khối, sân vận động huyện, bảo tàng văn hóa các dân tộc Miền tây Nghệ An, Khu di tích danh thắng Hang Bua, Khu mộ- Cây táo Đốc binh Lang Văn Thiết, Khu trung tâm làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, sân chơi thể thao Trường THPT Quỳ Châu, lắp đặt 05 Đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; hệ thống họp trực tuyến từ huyện đến xã ... với tổng kinh phí đầu tư 144,9 tỷ đồng.

Đến nay, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã phát triển sâu rộng, tác động tích cực đến đời sống nhân dân và toàn xã hội. Toàn huyện có 100% làng, bản, khối thực hiện có hiệu quả quy ước. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88,6%. Tỷ lệ làng bản, khối văn hóa đạt 90,5% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra). Tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm xuống còn 28,25%, có 2 xã, 33 bản đạt chuẩn nông thôn mới, kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bình quân đạt 14,9 tiêu chí/ xã. 

 

 Có thể khẳng định: Qua 05 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/HU, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn về vai trò của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển kinh tế- xã hội từng bước được nâng lên. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin, tuyên tuyền được tổ chức sôi nổi, phát triển rộng khắp từ huyện đến cơ sở và trong các trường học, huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa. Công tác phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nói riêng được xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt… từ đó tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn nhiệm kỳ qua. Chương trình góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của Nhân dân.

 

Anh-tin-bai

 

 

Ghi nhận những thành quả nói trên, Ngành Văn hóa & Thông tin huyện đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tặng Bằng khen năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An tặng Cờ thi đua dẫn đầu phong trào thi đua năm 2021. Nhân dân và cán bộ huyện Qùy Châu được Chủ tịch Nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì.

Những thành quả có được trong 05 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/HU, ngày 28/12/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳ Châu, giai đoạn 2020-2025 đã giúp cho chúng ta đúc rút được những số bài học kinh nghiệm quan trọng, đó là:

Thứ nhất, nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Huyện ủy trong triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình đã đề ra, đặc biệt là trong đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao, thông tin và quy hoạch hạ tầng phát triển du lịch.

Thứ hai, ngành Văn hóa & Thông tin phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp để có những giải pháp và quyết sách đúng đắn kịp thời trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giữa phát triển kinh tế với phát triển du lịch và ngược lại. Đồng thời tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành; sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của hệ thống chính trị xã hội trong việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ của Ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ giữa nhiệm vụ chuyên môn gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phải làm tốt công tác thi đua khen thưởng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.

Thứ tư, phải coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền đưa các chương trình, chính sách về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm để có các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thứ năm, hướng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao về cơ sở để người dân có điều kiện tham gia, tiếp cận, hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, để từ đó kêu gọi sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao; Chú trọng công tác bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Thái, gắn với công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương.

Thứ sáu, phát huy vai trò tham mưu của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn hóa, thể thao du lịch từ huyện đến cơ sở. Đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao; xây dựng các thiết chế hạ tầng, công trình văn hóa, thông tin, thể thao trọng điểm từ huyện đến cơ sở.

 Những bài học nói trên đã là “tài sản” quý giá và trở thành cơ sở lý luận để các địa phương có thể áp dụng trong công cuộc phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trong tình hình mới./.

 

   Trần Việt Đức

         Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học & Thông tin,

                                                               Uỷ ban Nhân dân huyện Qùy Châu.

  

   


THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đăng nhập