29/02/2024
Lễ yết cáo tại đền thờ Mường Chiêng Ngam
Chiều ngày 29/2 (tức 20/1 AL), Ban tổ chức, người dân và du khách đã tham gia Lễ yết cáo tại đền thờ Mường Chiêng Ngam, bản Bua xã Châu Tiến. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Hoài –Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Lô Thanh Luận –Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Vương Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, nguyên là Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Châu, đại diện lãnh đạo một số phòng, ban, ngành cấp huyện.
Các đại biểu và lãnh đạo huyện tham gia Lễ yết cáo tại Đền thờ Mường Chiêng Ngam
Đền Chiêng Ngam là nơi nơi thờ cúng 3 vị thần Hoàng làng gồm Xiêu Bọ,
Xiêu Ké, Xiêu Luông đã có công dựng bản, lập mường. Mọi người đến
hành lễ đều cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống
ấm no, hạnh phúc.
Theo truyền thuyết, đền Mường Chiềng Ngam thờ 3 vị
thành hoàng là 3 anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông. Họ là những người đã có
công khai bản, lập mường ở vùng Chiềng Ngam. Ông Xiêu Bọ lập nên bản Bọ, ông
Xiêu Ké lập nên bản Ké (nay là bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến), ông Xiêu Luông lập
nên bản Luồng (nay thuộc xã Châu Bính). Nhờ công đức to lớn của ba ông, cuộc sống
của người dân ở bản Bọ, bản Ké, bản Luồng ngày càng sung túc, thóc lúa đầy bồ,
gà lợn đầy sân, trâu bò đầy đồng. Ba bản làng giàu có này trong ngoài đoàn kết
lẫn nhau như người một nhà, giúp nhau chăn nuôi, trồng trọt tạo thành thế kiềng
ba chân vô cùng vững mạnh, nổi tiếng khắp nơi về sự ấm no, trù phú.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoài –Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện thắp hương tại lễ yết cáo.
Ban đầu, Đền Mường Chiềng
Ngam ban đầu được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái với 3
gian thờ khiêm tốn nhưng đầy vẻ trang nghiêm. Năm 1945, do nhiều biến cố lịch sử,
đền Mường Chiềng Ngam đã hư hỏng nặng và chỉ còn ở dạng phế tích. Với xu thế hướng
về cội nguồn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, năm 2006, đền Chiềng
Ngam được khôi phục trên nền ngôi đền xưa. Đến năm 2017, ngôi đền lại được xây
dựng mới một lần nữa với kết
cấu ngôi nhà bằng gỗ lim, kiến trúc xây dựng gắn với bản sắc
văn hóa truyền thống và văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc trên
địa bàn huyện Qùy Châu. Hàng năm, cứ đến ngày 20, 21,22 tháng giêng, cùng với
lễ hội hang Bua nhân dân trong vùng lại mở đền, khai hội, thắp hương tưởng nhớ
các bậc tiền nhân, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản mường yên vui, nhân khang vật
thịnh, nhà nhà no ấm, người người hạnh phúc.

Khung cảnh ngôi đền năm nay được trồng nhiều cây xanh và hoa nhiều sắc màu mang đến một không gian tươi xanh trong những ngày đầu năm mới.
Ngày mai 1/3 (tức ngày 21/1
AL) là ngày lễ chính thức của Hội Hang Bua năm 2024. Trong buổi sáng đại biểu,
du khách thập phương và người dân sẽ được tham dự Lễ đại tế tại ngôi đền này.
Sau khi tổ chức xong lễ đại tế đền Chiêng Ngam sẽ là phần khai hội Hang Bua
2024, tiếp đó sẽ là những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mang đậm
của đồng bào dân tộc Thái mang đậm nét văn hóa truyền thống miền núi Quỳ
Châu./.
Bé Vinh
Trung tâm VHTT&TT Quỳ Châu