ĐĂNG NHẬP  
image banner
 
Định hướng phát triển kinh tế huyện Quỳ Châu

 a. Định hướng phát triển tổng quát đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020

- Huy động mọi nguồn lực, tranh thủ các yếu tố thuận lợi, nhằm phát triển kinh tế toàn diện với tốc độ cao và bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng, có sức cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị lâm nghiệp - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện. 

- Khai thác và phát huy triệt để những tiềm năng lợi thế có sẵn, đặc biệt là lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, đồng thời nắm vững thời cơ và các vận hội phát triển mới để phát triển nhanh, tạo sự đột phá và động lực mạnh thúc đẩy kinh tế -  xã hội của huyện, vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An.

- Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa lâm - nông nghiệp - nông thôn, tạo ra những nhân tố cơ bản để phát triển bền vững và tăng trưởng cao. Xây dựng hệ thống thị trấn, thị tứ, các cụm công nghiệp nhỏ trở thành những hạt nhân thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn trong huyện, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

- Phát triển kinh tế gắn với quản lý tốt các vấn đề xã hội, tập trung giải quyết việc làm; đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, thực hiện xóa đói giảm nghèo. Chú trọng môi trường nông thôn, đặc biệt là môi trường trong khu dân cư.

Mục tiêu chủ yếu về tăng trưởng kinh tế là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân hàng năm là 11,5-12%/năm. Phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt khoảng 110  USD.

Bảng 20: Định hướng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2015

Chỉ tiêu

Giá trị

   Giá trị sản xuất

529 tỷ đồng

- Nông, lâm, ngư nghiệp

42%

- Công nghiệp, xây dựng

20,5%

- Dịch vụ

37,5%

 

Nguồn: Huyện ủy Quỳ Châu, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ khóa XXIII trình Đại hội XXIV, Nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng đẩy mạnh đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với từng vùng sinh thái, hình thành các vùng chuyên canh, tạo ra một số nông sản đủ lớn, làm cơ sở cho phát triển công nghiệp chế biến, phát triển mạnh cây công nghiệp và cây ăn quả, giảm dần tỷ trọng giá trị ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi; đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, chú trọng việc khoanh nuôi bảo vệ, trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng kinh tế, rừng nguyên liệu, rừng gỗ xây dựng và rừng gỗ củi; phát triển mạnh nuôi, đánh bắt cá nước ngọt đặc sản trên các ao, hồ, bãi ven sông, suối. Phát triển chăn nuôi đàn trâu bò, đàn vịt Quỳ Châu theo hướng trang trại, gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011-2015 bình quân khoảng 6,2- 6,6 %/năm.

Công nghiệp và xây dựng dự kiến mức tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 18 - 18,5%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 lên trên 52%  vào năm 2015. Chú trọng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, hình thành các làng nghề sản xuất thủ công nghiệp. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn như chế biến nông lâm sản, may mặc, và một số sản phẩm cơ khí nhỏ thay thế nhập khẩu. Có phương án khai thác hiệu quả công trình thủy lợi Bản Mồng. Kết hợp giữa phát triển tiểu thủ công nghiệp với xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước hình thành các khu, cụm lâm - công nghiệp, để sau năm 2020, Quỳ Châu trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc Nghệ An.

Thương mại, dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là lĩnh vực kinh tế đặc biệt quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Phát triển các ngành dịch vụ với tốc độ nhanh và đa dạng, đưa dịch vụ trở thành ngành tạo nhiều việc làm và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, du lịch… Nhanh chóng phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, điện, cấp, thoát nước sinh hoạt, bưu chính, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật các cụm - điểm tiểu thủ công nghiệp. Dự kiến duy trì tốc độ phát triển ngành thương mại - dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 bình quân ở mức 14 -14,3 % /năm.

b. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu của Quỳ Châu đến năm 2015

- Định hướng phát triển nông - lâm - ngư nghiệp

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Bố trí cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, giống hợp lý, tổ chức sản xuất vụ hè thu, vụ đông trên diện rộng. Chuyển diện tích lúa không chủ động nước, sang trồng ngô, trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi, trồng lạc, mía và một số cây trồng khác có hiệu quả hơn.

Quy hoạch thành vùng tập trung quy mô trên 25% tổng diện tích trồng lúa để trồng các gống lúa có chất lượng cao. Đưa các giống lúa có chất lượng cao vào khu vực Châu Tiến, Châu Bính.

Triển khai chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc có sừng và đẩy mạnh chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, phát triển đàn lợn, vịt bầu Quỳ Châu.

Phát triển vùng nguyên liệu, bố trí trồng 14.916 ha rừng nguyên liệu và cây cao su để chủ động nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến lâm sản vào năm 2014 và chế biến mủ cao su vào giai đoạn 2016 - 2020.

Tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích ao, hồ nuôi thủy sản, đặc biệt tận dụng tối đa diện tích mặt nước của công trình thủy lợi Bản Mồng. Nông - lâm - ngư nghiệp là nền tảng quan trọng để góp phần ổn định và phát triển bền vững kinh tế, xã hội. Trong giai đoạn 2011 - 2015, nông - lâm -  ngư nghiệp vẫn là lĩnh vực chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của huyện Quỳ Châu. Mục tiêu cơ bản là phát triển cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng ngành, từng lĩnh vực. Đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững; phát triển sản xuất - kinh doanh hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, gắn tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp với phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa.

Đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa với các sản phẩm có giá trị và chất lượng phù hợp với thị trường. Đầu tư xây dựng mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, coi trọng cây lúa, cây có giá trị kinh tế cao và nuôi thủy sản. Tăng cường chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình thủy lợi Bản Mồng và các công trình thủy lợi nhỏ khác, phục vụ nuôi thủy sản và sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Về sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng: hình thành các vùng chuyên canh như vùng trồng cây công nghiệp, vùng nuôi thủy sản… Chuyển diện tích trồng lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như ngô. Mở rộng diện tích trồng cây lâu năm trên cơ sở cải tạo vườn tạp. Phát triển cây công nghiệp ngắn ngày trên các vùng đất có điều kiện. Tăng nhanh giá trị trên một đơn vị diện tích; quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với quỹ đất phát triển công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Tập trung thâm canh, tăng năng suất, diện tích lúa được tưới tiêu chủ động.

Xu hướng phát triển ngành chăn nuôi toàn diện, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, tạo ra khối lượng, sản phẩm hàng hóa lớn, thu hút nhiều lao động, phát triển các loài vật nuôi có thế mạnh của địa phương như bò, lợn và gia cầm.

Về phát triển lâm nghiệp, trong giai đoạn tới, theo hướng xã hội hóa, bảo vệ và khai thác hợp lý vốn rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường đồng thời nâng cao khả năng cho ngành kinh tế. Một phần diện tích đất lâm nghiệp có rừng phải chuyển sang các mục đích sử dụng khác để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Đẩy mạnh công tác phủ xanh đất trống đồi trọc bằng việc khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ và trồng rừng mới.

Về ngư nghiệp, với hoạt động nuôi và khai thác thủy sản sẽ phát triển theo hướng: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng ven sông Hiếu, khai thác tiềm năng thế mạnh dự án thủy lợi Bản Mồng để biến nơi đây thành một trong những mũi nhọn kinh tế của huyện. Chú trọng phát triển toàn diện các ngành nghề bao gồm nuôi, đánh bắt, chế biến thủy sản, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Gắn khai thác nuôi với chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Đầu tư thâm canh diện tích đất có mặt nước nuôi thủy sản, đồng thời khai thác đất có mặt nước chưa sử dụng, đưa vào nuôi thủy sản; trong đó đặc biệt chú ý nuôi thủy sản vùng ven sông, suối, đẩy mạnh việc nuôi cá lồng trên sông. 

- Định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và xây dựng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quỳ Châu. Trong thời gian tới, công nghiệp phải được củng cố, mở rộng để từng bước nâng cao vai trò ngành trong cơ cấu kinh tế của huyện có sự phát triển theo chiều sâu. Phát triển công nghiệp luôn là khâu đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo vững chắc và hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả của sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, khâu trọng yếu và đột phá quan trọng nhất là hình thành các khu công nghiệp tập trung với các quy mô khác nhau. Trong đó tập trung phát triển mạnh cụm công nghiệp nhỏ thị trấn Tân Lạc, phấn đấu đến năm 2015, diện tích trong cụm công nghiệp được lấp đầy đạt 70 -75%... Trong giai đoạn trước mắt, định hướng kêu gọi đầu tư vào phát triển các khu CN-TTCN vừa và nhỏ ở các khu vực vốn thuộc các xã trung tâm, ven quốc lộ 48 có điều kiện thuận lợi về tài nguyên, đất đai, mặt bằng và khai thác được nguồn lao động dôi dư do sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Việc phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Quỳ Châu trong những năm tới là hướng tới một cơ cấu hợp lý và có hiệu quả, trong đó bao gồm những ngành, sản phẩm mà Quỳ Châu có lợi thế về lịch sử, truyền thống, điều kiện tự nhiên, đất đai, dân cư, đặc biệt nhấn mạnh đến những ngành, sản phẩm chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng. Phấn đấu đến quý IV năm 2012 phát điện tổ máy số 1 thủy điện Nậm Pông. Duy trì và nâng cao năng lực khai thác đá các loại tại các mỏ đã được cấp phép, phấn đấu đến năm 2015 đạt sản lượng khai thác 220.000m3. Tập trung chỉ đạo khai thác các loại quặng bôxít, vàng sa khoáng ở Châu Hạnh, dọc ven sông Hiếu, đá quý ở Châu Bình. Tập trung chỉ đạo các cơ sở chuyển đổi từ gạch nung sang không nung. Tận dụng nguyên liệu sẵn có từ khai thác đá để sản xuất gạch không nung tại các địa phương: Châu Bính, Châu Hội, Châu Hạnh, Châu Tiến, Châu Bính và vùng Châu Phong. Từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, chế biến và hoàn thiện các sản phẩm từ những nguồn nguyên liệu như: cây lùng, rễ cây hương bài, tơ tằm, cây keo... Duy trì và phát triển các cơ sở chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc gia dụng, khuyến khích áp dụng kỹ thuật mới để sản xuất đồ mộc cao cấp, mỹ nghệ tại thị trấn Tân Lạc. Từng bước hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Trong những năm tới, Quỳ Châu tập trung quản lý tốt các làng nghề và làng có nghề thủ công truyền thống (dệt thổ cẩm, làm hương trầm...). Phấn đấu đến năm 2015 có 4 làng nghề và 12 làng có nghề. Giữ vững thương hiệu “Hương trầm Quỳ Châu ” và “Thổ cẩm Quỳ Châu”.

Kết hợp lực lượng CN-TTCN của huyện với các bộ phận công nghiệp của trung ương và tỉnh đặt trên địa bàn để hình thành các phương án tổ chức sản xuất kết hợp tập trung - phân tán, kết hợp các loại quy mô lớn - vừa - nhỏ trên cùng địa bàn. Thực hiện liên kết lực lượng CN-TTCN trên địa bàn huyện với các cơ sở công nghiệp đặt trên địa bàn các huyện khác của tỉnh như Quế Phong, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Nghĩa Đàn, để thực hiện các phương án mở rộng sản xuất, liên kết khu vực CN-TTCN, nhằm tạo nên một khu vực CN-TTCN ở vùng Tây Bắc Nghệ An có hiệu quả nhất, khôi phục và xây dựng mới một số làng nghề mây tre đan và chế biến lương thực…

Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của huyện rất thuận lợi về thị trường, trong khi đó nhu cầu vật liệu xây dựng của nước ta lại rất lớn. Ngành khai thác đá tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Xây dựng nhà máy gạch tuy nen công suất 10 triệu viên/năm tại các xã trên tuyến đường quốc lộ 48.

Ngành xây dựng có tiềm năng lớn về lực lượng lao động tại chỗ dồi dào. Phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp, xây dựng hiện có trên địa bàn huyện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vốn để đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả xây dựng. Đồng thời tạo điều kiện khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp phục vụ nhu cầu xây dựng, sửa chữa, cải tạo chỗ ở của nhân dân và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho họ.

- Định hướng phát triển các ngành thương mại, du lịch và các dịch vụ khác

Đây là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quỳ Châu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Định hướng chung phát triển lĩnh vực này đến năm 2015 là tập trung phát triển một cách đồng bộ các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ tổng hợp, đặc biệt là xây dựng các cơ sở thương mại hiện đại có tính chuyên nghiệp cao, cải tạo nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở hiện tại phù hợp với quá trình hình thành các khu đô thị mới tập trung, mở rộng giao lưu hàng hóa giữa Quỳ Châu với các huyện lân cận. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ bình quân đạt từ 14 -14,3%.

Ngành thương mại phát triển theo xu hướng mở rộng mạng lưới thương mại, dịch vụ nông nghiệp - nông thôn, hình thành mạng lưới thương nhân đông đảo và đa dạng về loại hình tổ chức và thành phần kinh tế, làm cầu nối sản xuất với thị trường, mở rộng các loại hình dịch vụ ứng trước vật tư - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Củng cố và phát triển các trung tâm buôn bán, ở thị trấn, thị tứ, đảm bảo tốt cho việc bán nhiều sản phẩm công nghiệp và mua các loại nông lâm sản. Chú trọng khai thác, tiêu thụ các nguồn hàng từ sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN trên địa bàn huyện và các địa bàn lân cận, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phát triển các hình thức kinh doanh dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và không ngừng mở rộng thị trường, thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới chợ kinh doanh phục vụ gắn với mạng lưới khu dân cư, theo các loại chợ kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh. Tăng cường các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất trên các lĩnh vực để tạo ra nhiều hàng hóa cho xuất khẩu mà huyện có nhiều tiềm năng như lạc, đá trắng, vàng sa khoáng. Vận dụng cơ chế chính sách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ hợp dịch vụ chế biến, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ.

Ngành du lịch với nhiều tiềm năng, có thể phát triển được nhiều loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu của khách trong nước và quốc tế, tăng cường mở rộng liên kết với các tua du lịch trong vùng, trong tỉnh. Huyện cần đẩy mạnh việc khôi phục, giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống, củng cố các làng bản dân tộc, khôi phục, duy trì những nét đẹp và độc đáo trong văn hóa bản làng. Kết hợp chặt chẽ giữa du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tự nhiên - sinh thái với du lịch làng nghề, tạo cho du khách cảm nhận được một cách đầy đủ cuộc sống, con người và những danh lam thắng cảnh của Quỳ Châu.

Phát triển mạng lưới du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh và tiềm năng du lịch của huyện, đa dạng hóa các loại hình du lịch, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Phối hợp chặt chẽ với các cấp các, ngành, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư tu sửa, tôn tạo và khai thác các di tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng. Triển khai đầu tư, đưa vào hoạt động có hiệu quả các điểm du lịch hang Bua, Thăm Ồm, thác Đũa, làng Thái cổ. Lập dự án du lịch vùng lòng hồ Bản Mồng trong tương lai, khuyến khích phát triển mạnh các dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất, hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí và du lịch. Đồng thời từng bước phát triển ngành du lịch theo các loại hình du lịch công vụ, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí vào các kỳ nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần.

Tập trung đầu tư có trọng điểm cho phát triển du lịch, không chỉ về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật mà còn có cả những công tác xúc tiến, quảng bá. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch, hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động này nhằm tạo thành một mạng lưới có khả năng phục vụ nhu cầu lưu trú và ăn uống. Có cơ chế khai thác tài nguyên du lịch một cách hợp lý, hiệu quả, tăng cường sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời có biện pháp triển khai tuyên truyền, giáo dục toàn dân nâng cao nhận thức về du lịch, tích cực bảo vệ môi trường và có hành vi ứng xử đẹp đối với khách tham quan. Kết hợp chặt chẽ trong quản lý phát triển du lịch với những yêu cầu về bảo vệ an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện.

Ngành tài chính, tín dụng: khai thác tốt và nâng cao chất lượng các nguồn thu; thực hiện nghiêm các luật thuế, phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn vượt kế hoạch từ 10 - 15%. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách bao gồm cả chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên.

- Định hướng phát triển lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, kinh tế, huy động tối đa nguồn lực tổng hợp, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quốc tế với cơ chế chính sách của tỉnh, huyện. Định hướng phát triển giao thông vận tải từ nay đến năm 2015 là đảm bảo mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện phát triển nhất quán và phù hợp với quy hoạch tổng thể của huyện, của vùng Tây Bắc Nghệ An. Phấn đấu kiên cố hóa 100% đường liên xã, liên thôn bản theo hướng rải nhựa, bê tông, lát gạch hoặc đá cấp phối. Đầu tư xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hóa các trục giao thông quan trọng nối thị trấn với các xã. Định hướng phát triển điện lực, tập trung đầu tư vào hệ thống truyền tải, lưới điện hạ áp, hệ thống biến thế, đảm bảo mục tiêu 100% số hộ dùng điện vào năm 2015 và đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn với giá điện hợp lý. Đặc biệt chú trọng quản lý, khai thác có hiệu quả các trạm điện đã có, đẩy nhanh tiến độ thi công mạng lưới điện Châu Nga, xây dựng mạng lưới điện Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển theo hướng mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng thông tin liên lạc. Các cơ quan, doanh nghiệp, trường học sử dụng Internet tốc độ cao, phục vụ công tác, học tập, sản xuất kinh doanh. Xây dựng mạng thông tin có công nghệ hiện đại, chi phí thấp để nhân dân có thể sử dụng điện thoại cố định và di động một cách rộng rãi.  Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ mạng di động 3G trên địa bàn huyện.

Xây dựng khu tái định cư của công trình thủy lợi Bản Mồng và một số công trình trọng điểm như cầu Hoa Hải, cứng hóa cầu treo Châu Hội, khu trung tâm mới thị trấn Tân Lạc và tuyến đường mới Châu Hạnh đi Châu Thắng.

Năm 2013 - 2014 cải tạo, nâng cấp nhà máy nước thị trấn Tân Lạc công suất 2.500m3 ngày đêm. Năm 2014 - 2015 xây mới nhà máy nước tại trung tâm cụm xã Châu Hội, công suất 600m3 ngày đêm, năm 2015 xây mới nhà máy nước tại trung tâm cụm xã Châu Bính công suất 1.000m3 ngày đêm.

Thực hiện có hiệu quả các chương trình: Xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; Chương trình an toàn khu và Chương trình 42 xã nghèo theo Nghị quyết HĐND tỉnh để từng bước củng cố, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Định hướng tổ chức các tiểu vùng kinh tế

Để phát triển kinh tế, khai thác hết thế mạnh của mỗi vùng, trong quy hoạch phát triển đến năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2010, Quỳ Châu đã chia huyện thành  bốn vùng sinh thái kinh tế.

1. Gồm có các xã Châu Thuận, Châu Bính, Châu Tiến, Châu Thắng (vùng trên). Đây là vùng trọng điểm lúa của huyện, chiếm 50% diện tích và sản lượng lúa toàn huyện. Vùng này tập trung thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm ổn định nguồn lương thực tại chỗ, làm "bàn đạp" phát triển kinh tế rừng. Du lịch mạo hiểm (thám hiểm các hang động) và du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và cung cấp hàng thổ cẩm.

2. Vùng trung tâm gồm thị trấn và xã Châu Hạnh. Đây là trung tâm kinh tế - xã hội của huyện, tập trung nhiều cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ, các loại dịch vụ thương mại. Phát triển nghề truyền thống làm hương trầm, các dịch vụ chế biến nông - lâm sản, buôn bán hàng dịch vụ tổng hợp giải quyết đầu vào, đầu ra cho bà con các vùng sâu vùng xa.

3. Vùng dưới gồm các xã Châu Bình, Châu Nga, Châu Hội. Quỹ đất lớn, nhân dân phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Chỉ tính riêng xã Châu Bình đã có 172 trang trại VACR, thậm chí có nhiều gia đình trồng từ 30 đến 50 ha rừng. Khai hoang mở rộng diện tích trồng mía nguyên liệu cho Nhà máy Đường Nghệ An Taste & Lyle. Đến năm 2004, vùng dưới đã có 1.000 ha mía cung cấp cho nhà máy. Ngoài ra, nhân dân vùng 3 còn mở rộng khai thác khoáng sản như: ru bi, bau xit, đá trắng,...

4. Vùng trong, bao gồm các xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm. Vùng này có trên 1 vạn dân sinh sống, diện tích 36 nghìn ha, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Đây là vùng xa, những địa phương khó khăn nhất của huyện. Diện tích đất nông nghiệp chiếm 1,5 - 2% diện tích tự nhiên ...”

(Nguồn: Địa chí huyện Quỳ Châu, xuất bản tháng 2 năm 2012)

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đăng nhập