Trước
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cơ sở Đảng Cộng sản Đông Dương và cơ sở các tổ chức
cách mạng chưa phát triển tới huyện Quỳ Châu, đồng bào các dân tộc trong huyện
đang bị chìm đắm trong bóng đen nô lệ của thực dân Pháp. Bọn thổ ty lang đạo, đại
diện cho giai cấp phong kiến ở Quỳ Châu dựa vào thực dân Pháp thay nhau nắm giữ
chính quyền, đàn áp, bóc lột nhân dân từ đời này qua đời khác.
Trước tình hình phát triển của cuộc
kháng chiến, trên cơ sở xem xét các điều kiện cần thiết cho sự ra đời của một tổ
chức cộng sản ở Quỳ Châu, ngày 5/7/1947, tại đền thờ nhà bà Hương Án, chòm Tân
Lạc, Chi bộ Hoàng Văn Thụ được thành lập gồm 4 người : Nguyễn Quốc Sủng, Tăng
Ba, Trần Phố, Lang Văn Thịnh và đồng chí Nguyễn Quốc Sủng được bầu làm Bí thư.
Ngày
19/4/1963, Chính phủ ra quyết định số 52/CP chia lại địa giới Quỳ Châu thành 3
huyện mới: Quỳ Châu, Quế Phong và Quỳ Hợp. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Nghệ An quyết
định tách Đảng bộ huyện Quỳ Châu thành 3 Đảng bộ gồm Đảng bộ huyện Quỳ Châu, Đảng
bộ huyện Quế Phong, Đảng bộ huyện Quỳ Hợp. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Đại
hội Đảng bộ huyện khóa V đã tiến hành tách 3 Đảng bộ huyện và hoàn thiện chủ
trương tách huyện và thành lập huyện mới cũng như đưa ra những phương hướng,
nhiệm vụ cơ bản cho sự phát triển của huyện Quỳ Châu trong giai đoạn mới. Từ
đó, huyện Quỳ Châu mới được hình thành và chia thành 3 vùng chính gồm: Vùng 1 với
các xã Châu Phương, Châu Tiến, Châu Bính, Châu Thuận và Châu Thắng; Vùng 2 với
các xã Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Bình, Châu Nga; Vùng 3 với các xã Châu Hoàn,
Diên Lãm, Châu Phong.
Giai
đoạn năm 1963-1975, Đảng bộ huyện Qùy Châu vừa sản xuất vừa chiến đấu, góp phần
cùng cả nước giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Để kịp thời huy động
sức người sức của cao nhất, phục vụ cho tiền tuyến, Đảng bộ huyện Quỳ Châu đã
phát động một cao trào thi đua sôi nổi trong toàn huyện, đẩy mạnh sản xuất, sẵn
sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu tốt.
Cùng với quyết tâm của nhân dân
cả nước, bằng tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ngày
30/04/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi hoàn toàn. Miền Nam
hoàn toàn giải phóng, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi.
Nhân dân Quỳ Châu hòa chung với niềm vui chiến thắng cùng nhân dân cả nước. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế
quốc Mỹ, Quỳ Châu có gần 4.454 người có công với cách mạng, có 270 liệt sỹ, 135
thương, bệnh binh, 01 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân, 12 bà mẹ được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng và hàng
trăm cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang huyện nhà được Đảng, Nhà nước tặng
thưởng Huân chương, Huy chương cao quý.
Trải
qua 77 năm lịch sử, các Chi, Đảng bộ cơ sở trong toàn huyện không ngừng lớn mạnh,
khẳng định vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết
của Đảng. Từ một tổ chức Đảng chỉ có 4 đảng viên thì đến nay, toàn Đảng bộ huyện
đã có 31 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với tổng số đảng viên là 4.227 đồng chí,
84/84 khối, bản đều có chi bộ Đảng, năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở
Đảng được nâng lên; công tác sinh hoạt chi bộ, phát triển đảng viên luôn chú trọng.
77 năm, Đảng bộ huyện đã trải qua 26 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội lại ghi thêm
vào trang sử truyền thống của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà những
thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi
diện mạo quê hương.
Hạ tầng Quỳ Châu ngày càng đổi mới
Trong
6 tháng đầu năm 2024, Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,4%. Tổng giá trị sản xuất 6
tháng đầu năm đạt: 1.519,1 tỷ đồng, tăng 7,7% so
với
cùng kỳ. Tổng thu ngân sách
địa phương 6 tháng đầu năm đạt 603,7 tỷ đồng, đạt 98,5% dự toán HĐND huyện giao.
Tiếp
tục tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp hợp lý, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng
các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; ổn định cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Đến nay đã có 17 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, xây dựng 02 cửa hàng trưng bày sản
phẩm nông nghiệp chủ lực, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tuyên truyền, vận động việc
chuyển đổi trồng rừng nguyên liệu sang trồng cây gỗ lớn; từng bước nâng cao giá
trị kinh tế lâm nghiệp. Duy
trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh 12 HTX nông nghiệp, 7 làng nghề,
3 làng có nghề, 15 trang trại.
Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đến tham quan làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến, xã Châu Tiến
Kết
cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đặc biệt là các công trình trọng điểm đều được
triển khai thi công theo kế hoạch. Trong giai đoạn 2021-2025 huyện Quỳ Châu thực
hiện 22 dự án trọng điểm và dự án liên vùng. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp
tục được tăng cường, đến nay đường giao thông đến trung tâm các xã đã được nhựa
hóa, có 12/12 xã có điện lưới quốc gia, 100% hộ được sử dụng điện
lưới, 100% xã, thị được phủ sóng phát thanh truyền hình. Trường học,
Trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng xóm, bản, được xây dựng kiên cố và bán kiên cố.Toàn
huyện hiện có 2 xã và 33 bản đạt chuẩn NTM, bình quân toàn huyện đạt 14,64 tiêu
chí. Đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân từng bước được nâng lên.
Văn
hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, Toàn huyện có 5/12 xã được công nhận có thiết chế
văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 82,04%; tỷ lệ làng, bản đạt danh hiệu văn
hóa đạt 89,3%. Mạng lưới trường,
lớp học cơ bản ổn định.Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt cao, chất lượng
giáo dục toàn diện được nâng lên, nổi bật có học sinh giỏi cấp quốc gia, có
giáo viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Cơ sở vật chất trường
học được quan tâm đầu tư, đến nay đã có 33/37 trường đạt chuẩn quốc gia, có
25/37 trường đã đạt kiểm định chất lượng các mức độ.
Đặc biệt, huyện Quỳ Châu cũng tập trung
phát triển du lịch, đến nay, huyện Quỳ Châu có 8 điểm du lịch trọng điểm, trong
đó có di
tích danh thắng Hang Bua
được Bộ Văn hoá thông tin xếp Hạng di tích danh thắng Quốc gia, đền Chiêng Ngam
được xếp hạng là di tích cấp Tỉnh, Bản
du lịch cộng đồng Hoa Tiến được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là điểm du
lịch cấp
tỉnh, hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách tham
quan, du lịch, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Lễ hội Hang Bua tại xã Châu Tiến thu hút nhiều du khách tham quan trẩy hội
Công tác an
sinh xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
được đảm bảo, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Diện mạo nông thôn Quỳ Châu có sự thay đổi rõ nét, tạo
ra thế và lực mới để Đảng bộ và nhân dân trong huyện bước vào thời kỳ phát
triển mới.
Công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả
tích cực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được
nâng lên. Trong 77 năm qua, nhiều năm liền Đảng bộ huyện Quỳ Châu đạt danh hiệu
Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Ghi nhận những thành tích đã đạt được của Đảng bộ,
chính quyền và Nhân dân Quỳ Châu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
nhân dịp kỷ niệm 600 năm Danh xưng, huyện đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng
thưởng Huân chương lao động hạng Ba, nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước,
Chính phủ, các bộ ngành từ Trung ương đến tỉnh trao tặng cờ thi đua, danh hiệu
và phần thưởng cao quý khác.
Chặng
đường 77 năm xây dựng và phát triển đã chứng minh sự trưởng thành của Đảng bộ
huyện Quỳ Châu, khẳng định vai trò tiên phong, lãnh đạo quân và dân các dân tộc
trong huyện vượt qua khó khăn, thử thách, kiên cường, chủ động, sáng tạo, phát
huy tinh thần cách mạng tiến công, lập nhiều thành tựu to lớn. Nhìn vào những
trang sử đã qua, chúng ta rất tự hào và tin tưởng vững chắc rằng với truyền thống
vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳ Châu nhất định sẽ phấn đấu vươn
lên giành những thắng lợi mới trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì
mục tiêu xây dựng Quỳ Châu trở thành một huyện vững về chính trị, giàu về kinh
tế, đẹp về nếp sống văn hoá, mạnh về quốc phòng-an ninh./.