Quỳ Châu với diện tích keo khoảng 22.000 ha. Qua điều tra của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu, hiện nay trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã xuất hiện bệnh chết héo gây hại trên cây keo. Bệnh chết héo cây keo gây hại chủ yếu trên những vùng keo nguyên liệu từ 1 đến 3 năm tuổi. Bệnh chết héo cây Keo do nấm Ceratocytissp gây ra, đây là bệnh hại nguy hiểm gây thiệt hại rất lớn trong sản xuất keo nguyên liệu. Các giống keo nhiễm bệnh keo lai. Tại thời điểm hiện tại diện tích nhiễm bệnh là 40 ha với tỉ lệ phổ biến 5 - 14%, cục bộ 20% phân bố các xã Châu Hạnh, xã Châu Hội, xã Châu Thuận, xã Châu Thắng.
Điều kiện thời tiết các đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa, độ ẩm không khí cao, đặc biệt trên các vùng keo nguyên liệu đã có sẵn nguồn bệnh. Vì vậy bệnh chết héo cây keo có xu hướng lây lan và gây hại nặng trên diện rộng là rất lớn gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp keo nguyên liệu và thiệt hại kinh tế cho bà con nông dân.
Để chủ động trong phòng trừ bệnh chết héo cây keo trên địa bàn huyện Quỳ Châu xin được hướng dẫn cụ thể cho bà con như sau:
1. Đối với rừng kinh doanh
- Thường xuyên điều tra, phát hiện kịp thời tình hình phát sinh, mức độ gây hại và đánh giá khả năng lây lan của bệnh chết héo tại các vùng trồng keo nguyên liệu trên địa bàn, nhất là trên các diện tích keo thời kỳ 1-3 năm tuổi.
+ Đối với diện tích keo có tỷ lệ cây nhiễm bệnh dưới 15%: Tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy (đốt) các cây bị bệnh chết héo; giữ lại các cây chưa có triệu chứng bị bệnh.
+ Đối với diện tích keo có tỷ lệ cây nhiễm bệnh trên 15% đến 50%: Tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy các cây bị bệnh; đồng thời áp dụng biện pháp hóa học cục bộ theo đám (khi cây chết theo đám) hoặc toàn bộ lô (khi cây chết rải rác). Sử dụng một trong các loại thuốc trừ bệnh như Metaxyl 500WP, Manozeb 80WP, Lanomyl 680WP, Ridomid gold 68WG,... theo nông độ khuyến cáo.
Chú ý: Lượng dụng dịch thuốc sử dụng tối thiểu 400 - 600 lít/ha, phun nhắc lại 2 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày. Không tận thu, vận chuyển các cây bị bệnh chết héo sang nơi khác.
+ Đối với diện tích keo có tỷ lệ cây nhiễm bệnh trên 50%: Tiến hành phá bỏ, thanh lý rừng theo quy định của pháp luật.
2. Đối với rừng trồng mới: Sử dụng các giống chống chịu bệnh chết héo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận (Keo lai: AH1, AH7, BV10,...; Keo lá tràm: AA1, AA9, AA42, Clt18, Keo tai tượng: M5, M14,...).
- Chỉ mua cây giống có lý lịch rõ ràng tại các cơ sở sản xuất được cấp phép. Khi mua giống trước khi trồng khuyến cáo chủ vườn ươm phun thuốc trừ nấm phòng chống bệnh chết héo cây keo.
3. Đối với vườn ươm
Vườn giống cây đầu dòng: Khi phát hiện có cây bị bệnh chết héo trong vườn thì tạm ngừng việc lấy hom nhân giống để tiến hành các biện pháp xử lý đối với cây bị bệnh như xử lý cây bị bệnh rừng trồng đã nêu ở trên. Trong quá trình chăm sóc vườn cây đầu dòng, kết hợp tưới hoặc bón phân có thành phần nấm Trichoderma vào quanh gốc cây theo định kỳ.
- Đối với vườn ươm giống: Xử lý bầu đất (tạo đất ruột bầu) cây giống bằng phân vi sinh tổng hợp (gồm vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn phân giải lân và vi khuẩn đối kháng nấm) để diệt mầm bệnh giúp cây con phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng kháng bệnh. Nếu trên vườn phát hiện bệnh chết héo thì tạm ngừng toàn bộ việc dâm hom đợt mới để tiến hành xử lý vườn như sau:
+ Đối với số cây hiện đã gieo ươm thì thu thập toàn bộ cây đã chết và cây có biểu hiện bị bệnh (toàn cây và bầu đất) tập trung vào hố lớn để đốt. Cây chưa có biểu hiện bị bệnh thì tập trung vào luống khác, nhưng phải xử lý nền luống và bầu cây trước. Việc xử lý như sau: Tưới chế phẩm nấm Trichoderma (các loại chế phẩm vi sinh có thành phần nấm Trichoderma) vào bầu và nền luống để diệt trừ nấm bệnh, sau đó rắc vôi bột với liều lượng 0,3 - 0,5 kg/m2 mặt luống.
Sau khi xử lý hết toàn bộ cây bị bệnh trên vườn, tiến hành vệ sinh vườn ươm sạch sẽ, khơi thông mương máng đảm bảo thoát nước tốt, tránh ứ đọng nước. Đồng thời xử lý bằng vôi bột trên toàn bộ vườn ươm với liệu lượng 0,3 - 0,5kg/m2 và chế phẩm nấm Trichoderma. Tưới chế phẩm Trichoderma thực hiện định kỳ 10 - 15 ngày/1 lần và liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong quá trình chăm sóc cây, tuỳ điều kiện thời tiết việc tưới nước chỉ nên đảm bảo vừa đủ ẩm không nên tưới quá nhiều.
4. Biện pháp canh tác
Giải phóng đất dự định trồng trước 3 tháng tính đến thời điểm trồng. Thu dọn tàn dư thực vật, tiêu hủy những cây keo hoặc cây trồng khác đã bị bệnh chết héo. Đào hố trồng cây trước khi trồng ít nhất 1 tháng; bón 0,5 kg vôi/hố và trộn đều với đất trong hố ngay; phơi ải hố ít nhất 2 tuần sau khi bón vôi.
Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng cây keo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định: về mật độ trồng 1.660 - 2.000 cây/ha, bón lót 200g NPK (5 - 10 - 3)/hố.
Những nơi có độ dốc dưới 15 độ và đã trồng rừng keo từ 2 - 3 luân kỳ nên
làm đất bằng máy, nhổ gốc cây cũ, cày toàn diện, xử lý bằng vôi bột (1,5 – 2 tấn/ha). Trồng cây vào đầu mùa mưa.
Quản lý, bảo vệ các rừng trồng keo khỏi tác động của trâu, bò, dê...tỉa cành đúng kỹ thuật, hạn chế gây tổn thương và vào mùa khô, tỉa đầu cành khi cây đạt 5 - 6 tháng tuổi, cây cao trên 1,2 m.Trồng hỗn giao theo lô, mỗi lô trồng một giống với diện tích < 10 ha.
Luân canh cây trồng sau tối đa 3 luân kỳ kinh doanh cây keo, đổi sang các loài cây trồng khác phù hợp với từng lập địa cụ thể. Phát dọn thực bì 2 lần ở năm đầu, hạn chế làm tổn thương rễ cây. Từ năm thứ hai sau khi trồng, các biện pháp phòng chống được áp dụng như rừng đang kinh doanh.
Trên đây là hướng dẫn biện pháp phòng trừ bệnh chết héo cây keo. Để được hướng dẫn cụ thể bà con có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu để được giải đáp cụ thể./.
Thanh Yên - Trung tâm DVNN huyện.