Việc sản xuất rượu và uống rượu của đồng bào các dân tộc vùng Phủ Qùy xưa, Qùy Châu ngày nay đã có từ rất lâu, đã có nhiều câu chuyện truyền miệng rất hay, rất đẹp về cách uống rượu của nhiều người, ở mọi lúc mọi nơi, ở nhiều làng bản, tạo nên phong cách uống rượu đa dạng giàu bản sắc văn hóa. Có thể nói rằng từ thời bao cấp trở về trước (1980) rượu siêu ít hơn rượu cần và chất lượng của hai loại rượu này ngon hơn ngày nay rất nhiều. Trong các cuộc liên hoan, đám ma, đám cưới, dựng nhà, tiếp khách ... đều sử dụng rượu, nếu cuộc vui khi gia chủ có khả năng kinh tế, sử dụng rượu chai xong thì chuyển sang dùng rượu cần, khi uống phối hợp hai loại rượu trên ai cũng vui, ai cũng khỏe, sảng khoái minh mẫn, vì chất lượng rượu thời xưa ngon cho nên càng uống càng thấy tâm hồn muốn cởi mở, muốn bày tỏ tình cảm, do đó người biết hát suối, nhuôn, khắp họ sẽ cất tiếng hát cùng với tiếng pì suối, pì nhuôn, khèn bè ngân vang trong vắt gợi nhớ, gợi thương. Lời người hát mở đầu bằng câu chào xã giao, chào khách đến bản, cảm ơn gia chủ tổ chức cuộc rượu, lời hát chúc ông bà, vợ chồng, con cháu, anh em, hàng xóm đoàn kết ai cũng mạnh khỏe, hạnh phúc, chăn nuôi không bị dịch bệnh, trồng lúa không bị sâu hại, sản xuất ra nhiều của cải, giáo dục con, cháu chăm học, chăm làm... mọi người trong cuộc từ trẻ đến già ai cũng chăm chú lắng nghe, nhớ được, học được những ý đẹp, lời hay, giáo dục tình người qua câu hát thổi lên nếp sống văn hóa. Ngày nay, sau nhiều năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới. Kinh tế xã hội phát triển vượt bậc, đời sống của mọi người dân ngày càng được nâng lên, vấn đề thiếu đói lương thực đã được Đảng, chính quyền các địa phương giải quyết căn bản, vấn đề lương thực không còn là "mặt trận hàng đầu". Do lương thực dồi dào, nguồn nguyên liệu sản xuất rượu, men sẵn có, cùng với cơ chế thị trường, chất lượng rượu không được kiểm chứng, không an toàn như thời bao cấp. Tình hình lạm dụng rượu ngày càng nặng nề, đang từng ngày làm xói mòn phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư và nơi công sở. Việc sử dụng rượu hiện nay như sau:
- Cán bộ, đảng viên ai cũng uống, nhiều trường hợp vi phạm tư cách đạo đức tác phong.
- Các cụ cao tuổi cũng uống, nhiều cụ tai biến mạch máu não dẫn tới đột tử.
- Thanh niên uống rượu vào là trêu gẹo, đi xe máy lạng lách, đánh võng, xô xát đánh nhau...
- Trong đám tang cũng sử dụng rượu rất nhiều, có trường hợp quá chén có người hát nhuôn lên trong đám tang.
- Các cháu thiếu nhi tổ chức ngày sinh nhật cũng uống rượu, nâng chén, cũng: dô, 100%. Có trường hợp các cháu đi dự sinh nhật với bạn dọc đường về say xỉn 4 - 5 cháu nằm lăn lóc dọc đường...
- Khi uống quá chén có trường hợp thông gia chỉ mặt, chửi bới nhau. Liên hoan thanh niên (phục vụ đám cưới) về ban đêm đã có trường hợp xảy ra vụ án mạng do rượu.
- Vi phạm LLATGT trên 70 % lỗi do uống rượu gây nên.
Không thể kể hết được các trường hợp lạm dụng rượu quá đáng, có hàng trăm, hàng ngàn trường hợp uống rượu say gây gổ, vi phạm tư cách đạo đức, vi phạm nếp sống văn hóa, vi phạm LLATGT ... Tình hình lạm dụng rượu đã lên đến đỉnh điểm. Và tiếng chuông cảnh tỉnh đã vang lên. Ngày 12/11/2013 Ban Thường vụ Huyện ủy Qùy Châu đã ra Quyết định số: 740-QĐ/HU về việc "Ban hành quy định không sử dụng rượu bia trước, trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc đối với cán bộ, đảng viên của Đảng bộ huyện Qùy Châu". Và mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An có Chỉ thị số 17- CT/TU ngày 03/12/2013 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị cũng đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện, đảng viên thực hiện nghiêm túc giờ giấc làm việc và cấm uống rượu, bia, thuốc lá nơi làm việc trước, trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc. Đúng rồi, Đảng ta đã nhìn thấy, tất cả các tổ chức Đảng, chính quyền từ huyện đến xã phải gương mẫu thực hiện Quyết định 740, Chỉ thị 17- CT/TU đảng viên đi trước, làng nước theo sau, thực hiện một cách nghiêm túc, kiên trì, lâu dài, thành phong trào thôi thúc đến tận các bản làng khó khăn. Từ đây, chất lượng phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư sẽ được nâng lên. Và như ai đó đã từng nói "bao giờ cho đến ngày xưa" khi mọi người có nếp nghĩ, thói quen uống rượu một cách có văn hóa./.
Sầm Minh Phiết
Bí Thư Đảng ủy xã Châu Bính