Sự hình thành và thay đổi của địa danh hành chính Quỳ Châu - Nghệ An
Trong diễn trình lịch sử của dân tộc, danh xưng hành chính của khu vực miền núi Nghệ An nói chung, Quỳ Châu nói riêng đã trải qua nhiều lần thay đổi, nhưng không phải tất cả mọi thay đổi đều được ghi chép một cách đầy đủ, rõ ràng trong sử sách. Đó chính là trở ngại lớn nhất đối với công việc phục dựng lại diên cách địa lý hành chính Quỳ Châu qua hàng nghìn năm lịch sử.
Ths. Hoàng Quốc Tuấn. Khoa Sử, Trường ĐHV.
Trong diễn trình lịch sử của dân tộc, danh xưng hành chính của khu vực miền núi Nghệ An nói chung, Quỳ Châu nói riêng đã trải qua nhiều lần thay đổi, nhưng không phải tất cả mọi thay đổi đều được ghi chép một cách đầy đủ, rõ ràng trong sử sách. Đó chính là trở ngại lớn nhất đối với công việc phục dựng lại diên cách địa lý hành chính Quỳ Châu qua hàng nghìn năm lịch sử. Hiện nay Quỳ Châu là một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Nghệ An, nhưng trong quá khứ Quỳ Châu đã từng tồn tại với những danh xưng hành chính: CHÂU, PHỦ, HUYỆN và lệ thuộc vào các địa dư khác nhau. Việc tìm hiểu và làm sáng tỏ quá trình lịch sử hình thành và thay đổi của danh xưng Quỳ Châu không chỉ đáp ứng nguyện vọng của cán bộ và nhân dân các dân tộc Quỳ Châu, mà còn có ý nghĩa đối với việc tìm hiểu lịch sử, địa chí của cả khu vực miền núi Nghệ An.
1. Sự hình thành danh xưng Quỳ Châu
Thông thường sự ra đời, sự thay đổi của một địa danh hành chính (bất kỳ ở cấp độ nào) cũng đều phải được quyết định bởi một cá nhân hay một cơ quan quyền lực nhà nước nhất định. Danh xưng hành chính của một địa phương bao giờ cũng nằm trong hệ thống hành chính của cả nước. Quỳ Châu là một vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, đó là điều đã được khẳng định. Nhưng danh xưng hành chính của nó xuất hiện từ bao giờ và thay đổi ra sao thì chưa được minh chứng rõ ràng.
Sử cũ chép rằng, hệ thống hành chính của nước ta thời Văn Lang – Âu Lạc gồm 15 bộ (hay Bộ lạc/部 落), trong đó có bộ Hoài Hoan. Miền đất Quỳ Châu ngày nay của tỉnh Nghệ An, xưa kia từng là một phần trong địa dư của bộ Hoài Hoan. Trên vùng đất ấy đã hình thành nên những điểm tụ cư có quy mô khác nhau, tồn tại dưới dạng các công xã thị tộc hoặc liên minh thị tộc (bộ lạc). Mỗi điểm tụ cư như vậy có thể có một tên gọi riêng gắn liền với đặc điểm tự nhiên của nơi cư trú (núi, sông, khe suối, hang động…) hoặc nguồn gốc lịch sử dân cư. Tuy nhiên, chưa hẳn đó đã là những địa danh hành chính. Các tài liệu thư tịch cổ đều xác nhận, thuở các vua Hùng dựng nước Văn Lang, các tụ điểm dân cư thường có tên gọi là kẻ (hay cổ) ở đồng bằng; động, sách, nguồn ở miền núi và vạn ở những vùng ven sông, ven biển; đó chỉ là những vùng quê được hình thành tự nhiên chứ chưa phải là các đơn vị hành chính. Đây là một thực trạng của xã hội Hoài Hoan từ thời dựng nước cho đến trước khi bị phong kiến phương Bắc xâm lược.
Từ năm 179 tr.CN đến năm 938, đất nước ta phải chịu sự đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Để phục cho công cuộc cai trị và bóc lột, chúng đã nhiều lần thay đổi hệ thống hành chính của nước ta. Trong buổi đầu của thời kỳ bắc thuộc, huyện Hàm Hoan (quận Cửu Chân) tương ứng với vùng đất của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay. Các sách, động, nguồn ở miền rừng núi của huyện Hàm Hoan vẫn tồn tại độc lập như trước và chưa bị sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền đô hộ. Nhưng sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhà Đông Hán đã bãi bỏ chế độ dung dưỡng, chúng tăng cường chế độ đô hộ bằng cách đưa quan lại và binh lính người Hán sang trực tiếp cai trị nhân dân Âu Lạc; chính sách cai trị của chính quyền đô hộ ở huyện Hàm Hoan bắt đầu được xiết chặt hơn.
Năm 269, quân Ngô dưới sự chỉ huy của Thái thú Đào Hoàng đã tiến đánh Cửu Chân, khi đến huyện Hàm Hoan chúng đã gặp phải chống trả quyết liệt của nhân dân địa phương. Sử cũ chép: Bấy giờ Hàm Hoan “địa thế hiểm trở, người di lạo hung tợn, đã mấy đời không chịu thần phục”. Đào Hoàng đem quân đánh phá khắp nơi, mở rộng vùng cai trị ra xa trung tâm, lập thêm nhiều huyện mới (30 huyện và “thổ dân có đến hàng nghìn người”), nhưng không ghi rõ là những huyện nào. Chỉ biết rằng sau khi Đào Hoàng chết (khoảng năm 299), nhà Đông Ngô đã tách phần nam huyện Hàm Hoan ra, đặt thành một quận mới: quận Cửu Đức (tức vùng đất thuộc Nam Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay).
Năm 523, nhà Lương bỏ đơn vị hành chính cấp quận, đổi quận thành châu, chúng chia nước ta thành 6 châu và đổi quận Cửu Đức thành Đức Châu. Năm 598 (Khai Hoàng năm thứ 8), nhà Tuỳ mặc dù chưa hoàn toàn chinh phục được nước Vạn Xuân, nhưng chúng vẫn tuỳ tiện đổi tên một số châu, huyện; trong đó Đức Châu được đổi thành Hoan Châu. Danh xưng Hoan Châu ra đời từ đó và tiếp tục duy trì cho đến buổi đầu của thời kỳ độc lập tự chủ dưới thời Ngô, Đinh, Tiền Lê.
Dưới thời Lý – Trần, hệ thống hành chính nước ta được thay đổi nhiều lần, kéo theo sự thay đổi của hệ thống hành chính của nhiều vùng miền trong cả nước, trong đó có cả vùng miền núi Nghệ An.
Tháng 12/1010 (Thuận Thiên nguyên niên), Lý Thái Tổ chia cả nước làm 24 lộ, đặt Châu Hoan làm trại. Chính quyền các châu được củng cố và do tri châu, châu bá, châu mục cai quản.
Năm 1101 (Long Phù năm thứ nhất), Lý Nhân Tông cho đổi Nghệ An châu trại thành phủ Nghệ An. Nhưng đến năm 1256 (Nguyên Phong năm thứ 6), Trần Thái Tông lại đổi phủ Nghệ An thành Trại Nghệ An. Bấy giờ, khu vực miền núi Nghệ An là miền biên viễn Tây Nam của quốc gia Đại Việt thường xuyên bị sự quấy phá của giặc “Lão Qua” từ đất Nam Nhung nước Ai Lao.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, trong các năm 1334, 1335 (niên hiệu Khai Hựu năm thứ 6, 7), Thái thượng hoàng Trần Minh Tông đi tuần thú Nghệ An cùng các tướng Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Nhữ Hài, đích thân đem quân đánh Ai Lao, xa giá tới Châu Kiềm và tiến vào đất Nam Nhung, quân Ai Lao thua chạy, Thượng hoàng sai Nguyễn Trung Ngạn mài đá, khắc chữ ghi công ở núi Thành Nam, thôn Trầm Hương …
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) và Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) đều cho rằng: thời Trần, miền thượng du sông Lam là đất Mật châu (châu Kiềm hay Kiềm châu là tên gọi khác của Mật châu). Núi Thành Nam và thôn Trầm Hương nay thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An… Điều đó cho thấy, thời Trần địa giới của Châu Mật hay Châu Kiềm rất rộng lớn, có thể bao gồm cả vùng thượng du sông Cả và sông Hiếu của miền núi Nghệ An ngày nay.
Dưới triều đại nhà Hồ, vào năm 1404, (niên hiệu Hán Thương Khai Đại năm thứ 2), Hồ Hán Thương cho đổi Nghệ An thành 2 phủ: phủ Diễn Châu và phủ Nghệ An. Phủ Nghệ An gồm 4 châu: Hoan Châu, Nam Tĩnh, Trà Lung, Ngọc Ma và 13 huyện là: Nha Nghi, Chi La, Phi Lộc, Thổ Du, Kệ Giang, Chân Phúc, Cổ Xá, Thổ Hoàng, Đông Ngàn, Thạch Đường, Kỳ La, Bàn Thạch, Hà Hoa. Trà Lung và Ngọc Ma là những châu xa nhất của miền núi Nghệ An.
Năm 1407, sau khi chiếm được nước ta, để dễ bề cai trị nhà Minh đã thiết lập một hệ thống hành chính mới. Những đơn vị hành chính có địa bàn rộng lớn, nhất là vùng miền núi xa trung tâm bị chia nhỏ và lập thành những châu, huyện mới; chúng bỏ tên Đại Việt, gọi nước ta là quận Giao Chỉ, chia thành 15 phủ, 36 châu và 181 huyện.
Sách Nghệ An ký của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch chép: Thời thuộc Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415), tách đặt châu Quỳ, lệ thuộc phủ Diễn Châu, đến năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417), lệ thuộc phủ Thanh Hoá…Bấy giờ châu Quỳ quản lĩnh 2 huyện: Trung Sơn và Thuý Vân.
Trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời, giáo sư Đào Duy Anh đã dẫn lại những điều ghi chép của sách “Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư” rằng: “Mật Châu ở miền tây Nghệ An. Thời thuộc Minh có Châu Quỳ, châu Trà Lung và châu Ngọc Ma… Mặc dầu ba châu ấy đến thời thuộc Minh mới thấy đặt tên như thế, (nhưng) miền thượng du đó, từ thời Trần đã ở trong bản đồ nước ta rồi. Miền sông Hiếu vốn đã thuộc phủ Diễn Châu. Nhà Minh thấy đất ở xa mới tách đặt Quỳ Châu để dễ cai trị”.
Sách “Sổ tay địa danh Việt Nam”của Đinh Xuân Vịnh cũng ghi chép tương tự nhưng khác về thời gian: Quỳ Châu “nguyên thuộc châu Mật về đời Trần sau là Châu Quỳ thuộc phủ Diễn Châu đặt thời Minh (1419). Năm 1420 đổi thuộc phủ Thanh Hoá, sau là phủ, thuộc tỉnh Nghệ An...”
Trong một số ấn phẩm khác như: “Địa lý các huyện, thành phố, thị xã, tỉnh Nghệ An” của Trần Kim Đôn; “Lịch sử Đảng bộ huyện Quỳ Châu” đều viết: Vùng đất thuộc ba huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp ngày nay vốn là một đơn vị hành chính được hình thành từ thuở xa xưa. Từ năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415), được gọi là Châu Quỳ.
Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ, tập 10, phần khởi nghĩa Lam sơn, viết: “Canh Tý, [1420], (Vĩnh Lạc năm thứ 18). Mùa đông, tháng 10, vua (Lê Lợi) nghe tin quân Minh sắp đến, đặt mai phục ở bến Bổng (thượng nguồn sông Chu) chờ giặc, chém giết quân giặc nhiều vô kể, bắt được hơn trăm con ngựa. Vua cho nghỉ quân ở Mường Nanh (nay là xã Thịnh Nang, huyện Lang Chánh, Thanh Hoá), rồi lại dời đến đóng quân ở Mường Thôi (Man Xôi, Thanh Hoá). Tên đồng tri châu Quỳ Châu là Cầm Lạn dẫn bọn Lý Bân, Phương Chính đem hơn 10 vạn quân, theo đường Quỳ Châu đến thẳng Mường Thôi”. Như vậy, điều này cho thấy thời Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn, Quỳ Châu đã lệ thuộc phủ Thanh Hoá, đúng như ghi chép của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký.
Nếu những điều ghi chép trong các dẫn liệu trên là đúng, thì có nghĩa là danh xưng Châu Quỳ hay Quỳ Châu với tư cách là một đơn vị hành chính cấp châu đã chính thức xuất hiện từ tháng 4 năm 1415 và danh xưng hành chính này đã tồn tại trong suốt 55 năm, từ năm 1415 đến năm 1470.
2. Quá trình thay đổi của địa danh hành chính Quỳ Châu
Năm 1466 (Quang Thuận năm thứ 7), Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 đạo Thừa tuyên và đổi trấn thành châu, đổi lộ thành phủ.
Năm 1470 (Hồng Đức năm thứ nhất), định bản đồ Thừa tuyên Nghệ An gồm: 9 phủ, 25 huyện, 2 châu. Quỳ Châu được nâng từ cấp châu lên thành phủ - (phủ Quỳ Châu), quản lĩnh 2 huyện: Trung Sơn và Thuý Vân.
Năm 1490 (Hồng Đức năm thứ 21), Lê Thánh Tông lại cho đổi Thừa tuyên Nghệ An thành Xứ Nghệ An (hay thường gọi là Xứ Nghệ) bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay. Phủ Quỳ Châu bấy giờ vẫn quản lĩnh 2 huyện: Trung Sơn gồm 16 động và huyện Thuý Vân gồm 23 động, lỵ sở đặt ở Đồng Lạc, huyện Thuý Vân (nay thuộc xã Châu Hạnh, Quỳ Châu).
Thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Hồng Thuận (1510-1516), vua Lê Tương Dực đổi Xứ Nghệ An thành trấn Nghệ An, nhưng hệ thống các đơn vị hành chính thuộc phủ Quỳ Châu về cơ bản vẫn giữ nguyên như trước.
Thời nhà Nguyễn, từ Gia Long đến Tự Đức, địa giới và địa danh hành chính của Nghệ An được thay đổi nhiều lần, nhưng Quỳ Châu vẫn là đơn vị hành chính cấp phủ, trực thuộc trấn Nghệ An (thời Gia Long), tỉnh Nghệ An (thời Minh Mạng) và An Tĩnh (thời Tự Đức). Những thay đổi đáng kể trong thời kỳ này là:
- Năm 1835 (Minh Mạng năm thứ 16), huyện Trung Sơn (phủ Quỳ Châu) được đổi tên thành huyện Quế Phong, danh xưng hành chính huyện Quế Phong bắt đầu xuất hiện từ đó.
- Năm 1840 (Minh Mạng năm thứ 21), trích 7 tổng ở phía Tây của huyện Quỳnh Lưu, 1 tổng của huyện Yên Thành, 1 tổng của huyện Thuý Vân để lập thành huyện Nghĩa Đường, thuộc phủ Quỳ Châu. Năm 1886, vì kỵ huý tên của vua Đồng Khánh nên đã đổi Nghĩa Đường thành Nghĩa Đàn.
Trong 67 năm (từ 1840 – 1907), phủ Quỳ Châu quản lĩnh 3 huyện: huyện Quế Phong (gồm 4 tổng, 16 xã, thôn), huyện Thuý Vân (gồm 5 tổng, 30 xã, thôn) và huyện Nghĩa Đường/Nghĩa Đàn (gồm 8 tổng, 49 xã, thôn). Phủ lỵ đặt ở sách Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đường (Nghĩa Đàn).
Bên cạnh hệ thống hành chính do nhà nước đặt lập, trên địa bàn Quỳ Châu còn tồn tại một hệ thống đơn vị hành chính được đặt lập theo một trật tự khác. Nhiều kết quả nghiên cứu của ngành Dân tộc học đã xác nhận: Khoảng từ sau thế kỷ thứ X trở đi đã liên tục diễn ra các cuộc di cư của nhiều nhóm tộc người từ những hướng khác nhau đổ vào miền đất phủ Quỳ Châu, trong đó chủ yếu là người Thái, người Khơ-mú và người Kinh (Việt). Trong quá trình tổ chức khai phá đất đai và định cư, họ đã tạo lập nên những đơn vị tổ chức xã hội dưới hình thức là các mường, bản, làng...với những tên gọi đặc thù riêng chứ chưa phải là những danh xưng hành chính do nhà nước quy định. Trên đất Quỳ Châu xưa, người Thái đã lập nên những mường lớn (mường trung tâm) và thiết lập mối qua hệ mật thiết giữa mường trong, mường ngoài dựa trên cơ sở của các quan hệ dòng học và tập tục. Tất cả có 11 mường: mường Tôn, mường Quèn, mường Chừn, mường Quáng, mường Hín, mường Puộc, mường Pắn, mường Miếng, mường Chón, mường Cồ Bá và mường Xớn Hám. Trong đó mường Tôn được gọi là mường gốc hay mường chủ, từ đó hình thành nên các “mường con”, phân bố trên khắp phủ Quỳ Châu xưa.
Dưới thời thuộc Pháp, ngày 20/10/1907, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định sửa đổi hệ thống hành chính ở phủ Quỳ Châu. Chúng chia tách phủ Quỳ Châu lập thời Minh Mạng (1840) thành hai đơn vị hành chính ngang nhau là: phủ Quỳ Châu và huyện Nghĩa Đàn. Phủ Quỳ Châu bấy giờ chỉ còn quản lĩnh 2 huyện Quế Phong và Thuý Vân như thời kỳ trước năm 1840, cộng thêm 2 tổng vùng trên của huyện Nghĩa Đàn. Địa dư phủ Quỳ Châu lúc này bao gồm phần đất của hai huyện Quế Phong, Thuý Vân và 2 tổng thượng của huyện Nghĩa Đàn với diện tích 5.000 km2, chiều dài từ phà Dinh đến Huổi Ho là 120 km, chiều rộng từ đỉnh Pù Quế (xã Châu Nga) đến cuối xã Châu Sơn là 80 km. Phía Bắc và Đông Bắc giáp hai huyện Như Xuân và Thường Xuân của tỉnh Thanh Hoá, phía Tây giáp huyện Sầm Tớ, tỉnh Sầm Nưa (Lào) với đường biên giới hơn 85 km, phía Tây giáp huyện Tương Dương, phía Đông Nam giáp huyện Nghĩa Đàn. Lỵ sở đặt ở Kẻ Bỏn (nay thuộc xã Châu Hạnh), nên thường gọi Phủ Bỏn; bấy giờ phủ Quỳ Châu gồm 37 xã, lập thành 11 tổng.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, hệ thống hành chính được thay đổi trên phạm vi cả nước, các đơn vị hành chính cấp phủ và tổng bị xoá bỏ, các xã nhỏ được hợp nhất thành các xã có quy mô lớn hơn. Thực hiện chủ trương của trên, tên gọi phủ Quỳ Châu được đổi thành huyện Quỳ Châu.
Ngày 26/8/1945 thành lập Uỷ ban cách mạng lâm thời (tại công đường phủ Quỳ Châu). Sau sự kiện này, trong các văn bản hành chính danh xưng huyện Quỳ Châu bắt đầu xuất hiện và thay thế danh xưng phủ Quỳ Châu. Do vậy, có thể xem ngày 26/8/1945 như là ngày chính thức ra đời của đơn vị hành chính huyện Quỳ Châu (gồm Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong ngày nay, hay còn gọi là huyện Quỳ Châu cũ). 37 đơn vị hành chính cấp xã của phủ Quỳ Châu trước đây, giờ được hợp nhất thành 11 xã (Đồng Lạc, Hữu Đạo, Thanh Xuyến, Văn Tập, Quý Dương, Thuận Khê, Quang Phong, Kim Diêm, Tuyền Nham, Thuận Hàm, Phạc Lộ).
Địa bàn của mỗi xã rất rộng, địa hình phức tạp do bị chia cắt bởi sông ngòi, khe suối và rừng núi, gây trở ngại lớn cho công tác tổ chức và quản lý của chính quyền cơ sở. Do vậy, ngày 17/2/1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 33/CP, chia 9 xã trong số 11 xã của huyện Quỳ Châu thành 27 xã.
Năm 1963, thực hiện Quyết định số 52/CP ngày 19/4/1963 của Hội đồng Chính phủ, huyện Quỳ Châu được chia tách thành 3 huyện: Quế Phong, Quỳ Hợp và Quỳ Châu. Về phương diện văn bản Nhà nước, ngày quyết định chia tách huyện Quỳ Châu cũ có hiệu lực, cũng có thể xem là ngày tái lập của huyện Quỳ Châu mới.
Từ đó đến nay, địa dư hành chính của huyện Quỳ Châu có thêm một số điều chỉnh như: Cắt chuyển xã Châu Phương nhập về huyện Quế Phong, theo Quyết định số 143-NV, ngày 17/4/1965 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chia xã Châu Hoàn thành 2 xã: Châu Hoàn và Diên Lãm theo Quyết định số 159-NV ngày 24/3/1969 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Thành lập thị trấn Quỳ Châu theo Quyết định số 275/QĐ – BTCCBCP, ngày 14/6/1990 của Ban tổ chức cán bộ nước CHXHCN Việt Nam. Tháng 5năm 2010, thị trấn Quỳ Châu được mở rộng địa giới và đổi tên thành thị trấn Tân Lạc (theo Nghị quyết số 24/NQ-CP, ngày 12/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ).
Trong quá trình lịch sử gần 600 năm, danh xưng Châu Quỳ - Quỳ Châu đã trải qua nhiều lần thay đổi về cấp độ hành chính và địa dư. Vì vậy, tìm hiểu địa danh hành chính Quỳ Châu sẽ có một ý nghĩa nhất định đối với việc nghiên cứu lịch sử, địa chí các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hoà ngày nay.
PHỦ QUỲ CHÂU XƯA (TÊN MƯỜNG - TỔNG - XÃ QUA CÁC THỜI KỲ)
TT
|
Tên
Mường xưa
|
Tên tổng thời Phong kiến
|
số xã
|
Tên xã Trước 1945
|
Tên xã Sau 1945
|
Tên xã hiện tại
|
1
|
MƯỜNG
TÔN
|
Tạo Khê
|
3
|
Tạo Khê, Thính Giai, Tri Lễ
|
Căm Lư
Kim Sơn
Châu Hùng
|
Châu Kim, Tri Lễ, Châu Thôn,
|
2
|
MƯỜNG
QUÈN
|
Quý Dương
|
1
|
Quý Dương
|
Chóm Búa
|
½ xã Mường Nọc, ½ xã Châu Kim (Quế Phong)
|
3
|
MƯỜNG
CHỪN
|
Vân Tập
|
3
|
Vân Tập, Hữu Văn, Hành Dịch
|
Phảnh Keo
|
Quế Sơn, Hành Dịch và ½ xã Mường Nọc, ½ xã Châu Kim
(Quế Phong)
|
4
|
MƯỜNG
QUÁNG
|
Quang Phong
|
3
|
Quang Phong, Bàng Nghệ, Phụ Thánh
|
Kắm Muộn
|
Kắm Muộn, Quang Phong,
Nặm Nhóng (Quế Phong)
|
5
|
MƯỜNG
HÍN
|
Thanh Xuyến
|
3
|
Thanh Xuyên, Việt Phú, Thi Phố
|
Tiêu Bính
|
½ xã Tiền Phong (Quế Phong); Châu Bính, Châu Thuận (Quỳ Châu)
|
6
|
MƯỜNG
PUỘC
|
Quang Liên
|
3
|
Quang Liên, Kim Diêm, Hiệp Cát
|
Thông Thụ
|
Thông Thụ, Đồng Văn và ½ xã Châu Kim (Quế Phong)
|
7
|
MƯỜNG
PẮN
|
Hữu Đạo
|
4
|
Hữu Đạo,Thọ Sơn,
Giá Hội, Thanh Nga
|
Kắm Lán
Tân Tiến
|
Châu Tiến, Châu Thắng (Quỳ Châu) và ½ xã Tiền Phong (Quế Phong)
|
8
|
MƯỜNG
MIẾNG
|
Đồng Lạc
|
2
|
Đồng Lạc,Tân Lạc,
Gia Hội, Thanh Nga
|
Hạnh Thiết
|
Châu Hạnh, TT Tân Lạc,Châu Hội, Châu Nga (Quỳ Châu)
|
9
|
MƯỜNG
CHÓN
|
Tuyền Nham
|
3
|
Tuyền Nham,Diên Lãm, Tiên Lộc
|
Hùng Chân
|
Châu Phong, Châu Hoàn,Diên lãm (Quỳ Châu); Châu Thành,
Châu Hồng, Châu Tiến (Quỳ Hợp)
|
10
|
MƯỜNG CỒ BÁ
|
Phạc Lộ
|
4
|
Cồ Bá,Yên Độ,
Yên Lãng, Đắc Lộc
|
Chúng Láng
|
Châu Bình (Quỳ Châu);
Yên Hợp, Châu Lộc, Liên Hợp, Đồng Hợp (Quỳ Hợp)
|
11
|
MƯỜNG
XỚNHÁM
|
Thuận Hàm
|
6
|
Thuận Hàm, Tử La
Diêu Phi,Tạo Thân
Vĩnh Lộc,Trọng Hạp
|
Khủn Tinh
|
Châu Quang, Thị Trấn QH, Châu Cường, Châu Đình, Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn (Quỳ Hợp)
|
BẢNG THEO DÕI THAY ĐỔI ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH QUỲ CHÂU TỪ KHI XUẤT HIỆN DANH XƯNG CHÂU QUỲ (4/1415) ĐẾN NAY
Cấp hành chính
|
Danh xưng
|
Thời gian
|
Trực thuộc
|
Quản lĩnh
|
CHÂU
|
Châu Quỳ
↨
Quỳ Châu
|
1415 – 1417
|
Phủ Diễn Châu
|
- 2 huyện: huyện Trung Sơn và huyện Thuý Vân.
- Năm 1835, Trung Sơn được đổi tên thành Quế Phong
|
1419 – 1428
|
Phủ Thanh Hoá
|
1428 – 1466
|
Phủ Nghệ An → Đạo Hải Tây
|
1466 – 1490
|
Thừa tuyên Nghệ An
|
1490 – 1510
|
Xứ Nghệ An
|
1510 – 1778
|
Trấn Nghệ An
|
1778 – 1802
|
Nghĩa An trấn
|
1802 – 1820
|
Trấn Nghệ An (Gia Long)
Tỉnh Nghệ An (Minh Mạng)
|
1820 – 1840
|
PHỦ
|
Phủ
Quỳ Châu
|
1840 – 1848
|
Tỉnh Nghệ An (Minh Mạng)
|
-Gồm: Thuý Vân, Quế Phong và Nghĩa Đàn
-Gồm 2 huyện: Thuý Vân, Quế Phong.
|
1848 – 1883
|
An Tĩnh (Tự Đức)
|
1883 – 1945
|
Tỉnh Nghệ An
|
HUYỆN
|
Quỳ Châu
(cũ)
|
1945 – 1963
|
Tỉnh Nghệ An
|
Gồm: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong
|
Quỳ Châu
(ngày nay)
|
1963 → Nay (2015)
|
Tỉnh Nghệ Tĩnh (1976 – 1991)
|
Gồm: Thị trấn Tân Lạc và 11 xã
|
Tỉnh Nghệ An
|