Cũng như nhiều địa phương khác ở vùng miền tây Nghệ An, Quỳ Châu là huyện miền núi vùng cao, các điều kiện tự nhiên như thời tiết, khí hậu, địa hình địa mạo, môi trường sinh thái khá phong phú, đa dạng, vừa thuận lợi, vừa khó khăn.
NCS: Bùi Minh Thuận. TS: Trần Vũ Tài. Khoa Sử - ĐHV.
Cũng như nhiều địa phương khác ở vùng miền tây Nghệ An, Quỳ Châu là huyện miền núi vùng cao, các điều kiện tự nhiên như thời tiết, khí hậu, địa hình địa mạo, môi trường sinh thái khá phong phú, đa dạng, vừa thuận lợi, vừa khó khăn. Cơ cấu dân cư bao gồm nhiều thành phần tộc người, được hình thành trong những thời kỳ và hoàn cảnh lịch sử khác nhau.
Theo số liệu của cuộc tổng điều tra năm 2009, dân số của toàn huyện Quỳ Châu là 53.179 người. Ngoài người Kinh (Việt) toàn huyện có 7 thành phần dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với tổng số 39.906 người, chiếm 76,4% dân số toàn huyện. Trong đó, dân tộc Thái có số lượng dân số đông nhất có 39.697 người, chiếm 75,97%; dân tộc Thổ có 112 người, chiếm 0,214%; dân tộc Hoa ở Quỳ Châu hiện tại chỉ còn 1 người (tên là Ông Triệu Bảo, 80 tuổi, thường trú tại thị trấn Tân Lạc); dân tộc Mường có 28 người, chiếm 0,053%; dân tộc Gié - Triêng có 12 người, chiếm 0,023%; dân tộc Hmông có 4 người, chiếm 0,0076%; dân tộc Tày có 4 người, chiếm 0,0076 người (UBND huyện Quỳ Châu, tháng 11/2009). Các dân tộc ở Quỳ Châu hiện nay sinh sống cộng cư, đan xen, nên mỗi tộc người lại tự bổ sung cho mình những nét văn hóa theo các chiều hướng khác nhau tạo nên các sắc thái rất riêng của từng tộc người.
Về mặt địa lý tự nhiên Quỳ Châu có nhiều mặt khó khăn song thuận lợi cũng không ít. Vì vậy, các cộng đồng tộc người nơi đây có thể dựa vào đó để phát triển đời sống kinh tế và trên thực tế cư dân các dân tộc Quỳ Châu nói chung và người Thái nói riêng, đã biết vận dụng khí hậu, địa hình và những thuận lợi từ thiên nhiên để phục vụ cuộc sống của mình đặc biệt là trong hoạt động canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp.
1. Lịch sử hình thành
Tài liệu khảo cổ học đã chứng minh sự tồn tại của người tiền sử cách đây 20 vạn năm ở trên đất Quỳ Châu (người Thăm Ồm). Trong truyện thơ Lái lông mương (lập bản dựng mường) của người Thái ở Quỳ Châu đã phản ánh ý thức ban đầu về vũ trụ của người từ thuở hồng hoang.
Trong quá trình phát triển, người nguyên thủy ban đầu sinh sống chủ yếu dựa vào các hoạt động hái lượm, săn bắn... Về sau họ mới biết đến gieo trồng trên những thửa ruộng ven khe suối trong vùng thung lũng của thượng nguồn sông Hiếu và định cư thành bản, thành mường. Theo các nhà khảo cổ học, trước thiên niên kỷ thứ nhất, vùng này đã có một bộ phận cư dân sống trong các nhà lều, làm ruộng, săn bắn và đánh cá. Có lẽ đây là lớp người đầu tiên đến khai phá miền rừng núi còn hoang vắng này, đặt nền móng cho công cuộc chinh phục và cải tạo thiên nhiên, xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Từ đó đến nay, đã có 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Đó là các dân tộc Thái, Thổ, Kinh, Hmông, Khơmú, Lào (Đảng bộ huyện Quỳ Châu, 2005, tr.2).
Tuy có nguồn gốc khác nhau, nhưng mỗi dân tộc đều tự hào về sự đóng góp của mình vào việc cải tạo thiên nhiên, xây dựng cuộc sống, tạo nên sự chuyển biến về mọi mặt trên mảnh đất Quỳ Châu. Mối quan hệ cộng đồng dân tộc, tình đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc ngày càng thắm thiết. Mối quan hệ bền vững và tốt đẹp ấy đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc cùng tồn tại và phát triển, tạo dựng nên bản sắc văn hóa, vừa mang những đặc điểm chung của dân tộc Việt Nam, vừa mang đặc trưng riêng của từng dân tộc ở Quỳ Châu. Tuy nhiên, Quỳ Châu ngày nay với các đơn vị hành chính có nhiều thay đổi và thành phần tộc người cũng không còn như trước, cùng với quá trình di cư, hiện nay ở Quỳ Châu, cộng đồng người Thái chiếm gần 75% dân số, người Kinh và các tộc người khác chỉ chiếm trên 25% dân số (trong đó chủ yếu là người Kinh).
Cho đến nay, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, tổ tiên của người Thái là từ Trung Quốc đến Việt Nam, cách ngày nay khoảng 1.000 năm. Đầu tiên, họ cư trú ở Tây Bắc, một số tiếp tục di cư sang Lào rồi về vùng miền tây Nghệ An, một nhóm di cư vào Hòa Bình, Thanh Hóa rồi đến miền tây Nghệ An. Sau những cuộc thiên di ấy, dù có sớm muộn khác nhau, người Thái thuộc các nhóm Hàng Tổng, Táy Mười, Táy Thanh (Man Thanh) đã đến định cư ở Quỳ Châu vào đầu thế kỷ XIV. Tuy có những khác nhau về ngữ điệu ngôn ngữ, nhưng nhìn chung là thống nhất và không có rào cản lớn. Đồng bào thường làm nghề khai thác sản phẩm rừng, chăn nuôi, dệt thổ cẩm, đan lát và trồng lúa nước. Qua thời gian dài, họ đã hình thành nên một cộng đồng tộc người có số lượng cư dân đông nhất ở Quỳ Châu, có vai trò và ảnh hưởng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ngoài người Thái là chủ yếu, nơi đây còn có các tộc người khác cùng sinh sống như Lào, Khơ mú... nhưng do số lượng ít và những yếu tố khác nhau nên đã dần thích nghi với lối sống sinh hoạt, sản xuất và canh tác của người Thái và đã “Thái hóa”. Những năm gần đây, không còn thấy tài liệu nào nhắc đến những tộc người này ở Quỳ Châu nữa.
2. Người Thái
a. Tên gọi
Nhìn vào sự phân bố của người Thái ở khu vực miền núi Bắc Trung Bộ, chúng ta dễ dàng nhận thấy cũng như người Thái ở Thanh Hóa, người Thái ở Nghệ An có địa bàn cư trú khá tập trung. Đây là một đặc điểm vừa mang những yếu tố văn hóa truyền thống, thống nhất của người Thái, vừa mang tính đặc thù địa phương do những tác động của điều kiện sống và quá trình giao tiếp văn hóa với các văn hóa cư dân kề cận.
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, người Thái ở Quỳ Châu cũng như người Thái vùng miền tây Nghệ An đều có nguồn gốc từ người Thái ở vùng Tây Bắc đã di cư đến đây vào khoảng thế kỷ XIV như Mạc Đường (1964), Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn (1968), Lê Sỹ Giáo (1998), Vi Văn An (1998)... Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, mặc dù người Thái ở Nghệ An đều có nguồn gốc chung từ tây bắc, song đại bộ phận người Thái ở Quỳ Châu lại chủ yếu chuyển cư trực tiếp từ vùng Thượng Lào sang. Sở dĩ như vậy là vì giữa miền tây bắc Việt Nam và miền tây Nghệ An có địa hình bị chia cắt phức tạp, rất khó đi lại, trao đổi; còn nếu từ Lào có thể thâm nhập, trao đổi với miền tây Nghệ An bằng nhiều con đường khác nhau rất dễ dàng. Điều này cũng được phản ánh trong nhiều truyền thuyết dân gian của các nhóm người Thái ở Quỳ Châu như: Ông thủy tổ của họ đã đến từ Luông Phá Bàng (Luông Pha Băng), hay trong các bài cúng, bài mo thường hay nhắc đến các địa danh liên quan đến nước Lào như: nhân danh chấn Lạn Xạng, mường Phá... còn những địa danh ở vùng Tây Bắc ít được nhắc đến.
Có thể vào khoảng thế kỷ XV, nơi đây mới bắt đầu hình thành nên những bản, mường lớn, dân cư đông đúc. Tuy nhiên, sau đó còn có một đợt chuyển cư rất lớn của người Thái từ vùng miền tây Thanh Hóa vào, diễn ra trong khoảng từ khoảng thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XVIII (Mai Thanh Sơn, 1990, tr.6).
Ngày nay, tộc danh Thái là tên gọi chung cho các nhóm địa phương ở Nghệ An. Tên gọi này được khẳng định mang tính pháp lý từ khi Tổng cục Thống kê ban hành Bảng danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam (ngày 2/3/1979). Bản thân cộng đồng người Thái ở miền tây Nghệ An rất hài lòng với tên gọi này. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của lịch sử tộc người, tên gọi của các nhóm Thái khác nhau ở miền tây Nghệ An vẫn là một vấn đề hết sức phức tạp. Cũng như những người đồng tộc của mình ở vùng Tây Bắc, người Thái ở Nghệ An đều tự gọi mình là “Phủ Tày/Phu Tay” hay “Côn Ty/Côn Tay” có nghĩa là “Người Thái” (Đại học Quốc gia Hà Nội, Chương trình Thái học Việt Nam, 1998, tr.319).
Về tên gọi, người Thái ở Quỳ Châu không phân biệt Thái Trắng (Táy Khao/Tay Háo) hay Thái Đen (Táy Đăm) như ở vùng Tây Bắc. Việc phân chia thành ngành Thái Đen hay Thái Trắng ở Nghệ An rất mờ nhạt. Nơi đây, các bộ phận người Thái chỉ phân biệt theo các nhóm địa phương (Local groups), với những căn cứ về nguồn gốc lịch sử của họ. Theo cách đó mà người Thái ở Quỳ Châu được chia thành ba nhóm như sau:
* Nhóm Táy Mường, hay còn gọi là Táy Chiềng (Táy Xiềng), Hàng Tổng và Táy Dọ chủ yếu là Thái Trắng, có mặt sớm nhất so với các nhóm Thái khác ở vùng miền tây Nghệ An. (Đại học Quốc gia Hà Nội, Chương trình Thái học Việt Nam, 1998, tr.331). Các nguồn tài liệu cho biết, nhóm cư dân này đã dựng bản, lập mường tại vùng đường 7 vào khoảng thế kỷ XIII - XIV.
Ở vùng Quỳ Châu cũ, nhóm Táy Mường đã đến lập bản, dựng mường đầu tiên ở Mường Tôn (Mường Noọc - Châu Kim, Quế Phong). Ngoài ra, còn có hai trung tâm khác là Kim Tiến tức Châu Bính, Châu Tiến (Quỳ Châu) và vùng Khủn Tinh tức Châu Quang, Châu Thái, Châu Lý, Châu Đình (Quỳ Hợp). Tại đền Chín Gian ở Mường Noọc (nay là xã Châu Kim, huyện Quế Phong), trong thần phả còn ghi rõ dòng họ Sầm hay còn gọi là Lo Kăm (Cầm) do hai anh em là Cầm Lứ và Cầm Lạn đã dẫn dắt người Thái từ vùng Tây Bắc di cư vào Nghệ An (xem truyện Con trâu bạc) đã trải qua 17 đời làm thế tập “tạo mường” kiêm “chẩu hua” (chủ phần hồn) ở vùng Quỳ Châu xưa.
Từ thế kỷ XIX, họ Lang ngày càng lớn mạnh, chế độ “tạo mường” bị bãi bỏ thì họ Sầm chỉ còn được thế tập làm “chẩu hua”, chủ trì đền Chín Gian ở Mường Noọc trông coi phần hồn cho những cư dân Thái trong vùng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chế độ “chẩu hua” cũng bị bãi bỏ. Như vậy, ít nhất từ khoảng cuối thế kỷ XIII thì người Thái đã có mặt tại Quỳ Châu ngày nay. Sử sách còn ghi, tại Châu Nga nơi diễn ra “trận Bồ Đằng (Đăng) sấm vang chớp giật” của nghĩa quân Lam Sơn đã có sự giúp sức quan trọng của nghĩa quân áo đỏ người Thái Quỳ Châu. Tại Quỳ Hợp ngày nay, còn có di tích các bãi tập, các đền Thần Đinh thờ Lo Kăm Hoa, đền Kẻ Tàu ở Hữu Đạo cũ, đền Bản Can ở Chúng Láng (Quỳ Châu cũ)... thờ những tù trưởng đã có công giúp đỡ nghĩa quân Lam Sơn. Hay câu chuyện Cô gái bản Lê (Lè), Cô gái bản Ban ở Quỳ Châu đều vì nước mà tìm cách giết quân Minh. Nhưng cũng có một thổ quan người Thái, vì lợi ích cá nhân mà đi ngược lại lợi ích của dân tộc như tri châu Căm Lạn, tri phủ Cầm Bành… đã làm tay sai cho quân Minh, chống lại nghĩa quân Lam Sơn…
Đến thế kỷ XV, nhóm Táy Mường đã định cư ở vùng miền tây Nghệ An khá đông và cư trú trên một địa bàn khá rộng từ phía bắc là vùng Bồ Đằng, trung tâm là xã Châu Nga (Quỳ Châu), phía đông là đến Quỳ Hợp, phía nam đến Trà Lân thuộc Con Cuông hiện nay. Tại phủ Quỳ Châu cũ, nhóm Táy Mường đã cư trú tại Mường Cha Le (Quế Phong) đến mường Cồ Bá, qua Mường Choọng, Mường Hạt, Mường Ngình, Mường Ham... (Ninh Viết Giao, 2003, tr.207-208).
* Nhóm Táy Thanh, còn được gọi là Man Thanh hay Táy Nhại, chủ yếu thuộc người Thái Đen, một số sống xen kẽ với nhóm Táy Mường. Theo Đặng Nghiêm Vạn thì nhóm Táy Thanh gồm hai bộ phận Thái (một nhóm Thái Đen) ở Mường Thanh xưa thuộc châu Ninh Biên, phủ Gia Hưng, tỉnh Hưng Hóa (nay thuộc Điện Biên - Lai Châu). Họ di cư vào Nghệ An muộn hơn, cách ngày nay khoảng từ 200 - 300 năm, phần đông là họ đi qua đất Lào mới vào Nghệ An (Đặng Nghiêm Vạn, 1974, tr.27). Trong lời thầy mo cúng tiễn hồn người chết lên trời “Xên Xống”, thầy mo thường dẫn theo hai con đường. Con đường thứ nhất, dẫn hồn người chết đi ngược theo sông Lam đến Pu Đen Đin (ngọn núi cao giáp biên giới Việt - Lào thuộc huyện Kỳ Sơn); Đường thứ hai, xuôi sông Lam đến nặm Tá Khai - bến sông nơi giáp biển. Dù tiễn hồn theo hai đường khác nhau nhưng đều cùng đưa đến Mường Then (Mường Trời).
Ở Nghệ An, đa số người Man Thanh chủ yếu sinh sống trên địa bàn của các huyện dọc theo quốc lộ 7, và một số cư trú rải rác trên địa bàn của các huyện miền núi khác. Khi đến vùng đất Nghệ An, họ tự khai canh lập bản, dựng mường cũng có nơi họ phải làm “cuông, nhốc” (đi ở, làm thuê) cho người Táy Mường. Như vậy, có thể đoán định con đường chuyển cư của nhóm Táy Thanh vào đất Nghệ An được xác định theo hai hướng. Một hướng từ Thanh Hóa sang Quỳ Châu nhưng vì đến muộn nên nhóm Táy Thanh phải sống xen ghép với nhóm Táy Dọ đã di cư đến từ trước đó. Do vậy, trước đây họ bị coi là “dân ngụ cư” (páy cư) và có địa vị thấp hơn trong xã hội. Tuy nhiên, nhóm Táy Thanh không phải chuyển cư đến cùng một lúc, mà có bộ phận đến trước, bộ phận đến sau, được chia làm nhiều đợt khác nhau. Khi chuyển cư đến đây họ phải sống phân tán trong các ngọn nguồn, khe suối để tìm những vùng đất có thể khai khẩn canh tác nông nghiệp được. Do vậy, tuy đến sau nhưng một số người đứng đầu nhóm Táy Thanh vẫn trở thành những chủ đất nhỏ và lập nên các mường riêng.
* Nhóm Táy Mười, có nguồn gốc tại Mường Muổi, một vùng trung tâm của người Thái Đen ở Tây Bắc thuộc xã Chiềng Pấc, xã Thuận Châu, tỉnh Sơn La, di cư đến Nghệ An muộn hơn vào khoảng nửa đầu thế kỷ XV. Vì đến sau, nên họ phải khai phá các nương rẫy để gieo trỉa lúa nương hoặc phải cày ruộng cho các chủ Thái khác. Do cư trú xen kẽ, gần gũi với nhóm Táy Mường và nhóm Táy Thanh, cho nên họ chịu ảnh hưởng văn hóa, ngôn ngữ và phong tục tập quán của hai nhóm cư dân này.
Cuốn sách của ông mo ở xã Chiềng Pấc - Mường Muổi (Thuận Châu, Sơn La) cho biết: bộ phận cư dân Táy Mười buộc phải chuyển cư vào vùng Thanh Hóa, Nghệ An cư trú, vì Lê Lợi khi đem quân lên chinh phạt Đèo Cát Hãn, một chủ đất ở Mường Muổi đã cùng với Kha Lại (bầy tôi phản nghịch của Ai Lao) chống đối, quấy nhiễu dân chúng vùng biên giới. Mùa xuân năm Nhâm Tý (1432), Lê Lợi phải thân chinh đánh châu Ninh Viễn, Kha Lại chết, Đèo Cát Hãn lẩn trốn, nhà vua đặt châu Ninh Viễn là châu Phục Lễ nay là tỉnh Lai Châu. Sau khi bình định được họ Đèo, nhà vua đem tù binh về dâng ở thái miếu và quyết định cho di dời một bộ phận cư dân ở Mường Muổi vào vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Nhóm Mường Muổi khi vào Nghệ An, vẫn tự gọi mình theo tên quê hương cũ, nhưng do tiếp xúc cách phát âm của các cư dân quanh vùng nên “Muổi” bị đọc lệch là “Mười” (Cầm Trọng, 1978, tr.5).
Mặc dù có những tên gọi khác nhau, nhưng về cơ bản, cộng đồng người Thái đều có những đặc trưng tộc người giống nhau được thể hiện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và nguồn gốc lịch sử.
Ngoài ba nhóm trên, ở miền tây Nghệ An còn có một bộ phận nhỏ thuộc nhóm Tày Khăng từ vùng Mường Khăng ở Lào di cư sang, nay cư trú ở Kỳ Sơn, Tương Dương và một nhóm Thái ở Tương Dương được gọi là “Mèn”. Tuy cư trú xen kẽ nhưng người Thái Trắng sống ở Quỳ Châu là chủ yếu, còn người Thái Đen lại sống tập trung ở Quỳ Hợp (Vi Văn Biên, 2006, tr.211).
Như vậy, qua đó chúng ta thấy lấy tên gọi theo địa danh cư trú là hiện tượng phổ biến của người Thái Nghệ An cũng như ở Việt Nam. Tên gọi của các nhóm Thái ít nhiều phản ánh thời gian và lịch sử của quá trình di cư và cư trú của họ, trong đó có những tên gọi cổ hơn như Táy Dọ, Táy Nhại, và có những tên gọi chỉ mới xuất hiện vào giai đoạn muộn hơn như Táy Mường, Táy Thanh, Hàng Tổng... (Vi Văn An, 2001, tr.32). Đặc biệt, người Thái Nghệ An lại rất mờ nhạt trong việc phân theo hai ngành Đen, Trắng, rất nhiều trường hợp khi được hỏi, đồng bào không biết mình là Thái Đen hay Thái Trắng, thế nhưng ý thức tự nhận theo nhóm lại rất rõ ràng.
Tuy nhiên, dù thuộc các nhóm Thái khác nhau nhưng họ đều mang những điểm đặc trưng của dân tộc Thái, đặc điểm dễ nhận thấy nhất đó là cùng chung một ngôn ngữ, và là những cư dân nông nghiệp lúa nước, thường tụ cư, tập trung ở các dòng chảy, ở các thung lũng chân núi. Các bản làng của người Thái đều được xây dựng ở gần bến nước với một bên là núi, một bên là ruộng. Bản và nhà cửa người Thái đều được xây dựng hướng ra thung lũng. Dù là thuộc nhóm Thái nào hay nguồn gốc khác nhau ra sao thì mỗi người Thái ở huyện Quỳ Châu ngày nay cũng đều tự hào về những gì họ đã làm được cho quê hương, đất nước.
b. Lịch sử cư trú
Thời gian và sự có mặt của các nhóm Thái ở từng địa phương của vùng miền tây Nghệ An sớm muộn khác nhau, trải qua những diễn biến hết sức phức tạp. Có nhóm đến trước, nhóm đến sau, nội bộ không thuần nhất, chia làm nhiều đợt.
Từ buổi bình minh của lịch sử cho đến nay, vùng đất này đã trải qua nhiều thay đổi về địa vực cư trú của các cộng đồng dân cư. Tình trạng du canh, du cư diễn ra trong một thời gian rất dài. Vấn đề lịch sử cư trú của người Thái đã từng được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Các nhà dân tộc học như Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trọng cho rằng, cộng đồng Thái vào Việt Nam đầu tiên từ thiên niên kỷ II sau Công nguyên, đầu tiên là ngành Thái Trắng và sau đó là Thái Đen. Vào khoảng thế kỷ XI và XII do nhu cầu sản xuất và mở rộng vùng cư trú, người Thái từ Nam Trung Quốc lại tiếp tục di cư vào vùng Tây Bắc Việt Nam với những đợt thiên di ồ ạt. Sau khi đẩy lùi các nhóm cư dân Môn - Khơ me (vốn là cư dân bản địa), họ cư trú ở vùng Tây Bắc rộng lớn, rồi tràn ra khắp vùng từ Lai Châu, Nghĩa Lộ, Sơn La và sau đó tràn xuống phía nam vùng núi miền tây Thanh Hóa, Nghệ An. Sau khi đã định cư ở vùng Tây Bắc, một bộ phận người Thái đã chuyển cư sang Lào và từ Lào vào Nghệ An. Một nhóm khác từ Tây Bắc qua Hòa Bình, Thanh Hóa rồi đến Nghệ An.
Các nhà nghiên cứu như Diệp Đình Hoa, Hà Văn Tấn, Lê Sỹ Giáo… trong các công trình nghiên cứu của mình, đều cho rằng, người Thái Việt Nam có nguồn gốc vừa mang yếu tố bản địa vừa mang yếu tố di dân từ Trung Quốc. Theo Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, đợt thiên di lớn nhất của người Thái vào Nghệ An là khoảng thế kỷ XV, gắn liền với thời Lê Lợi. Một số nhà nghiên cứu khác như Diệp Đình Hoa, Chamberlain (người Pháp) lại cho rằng người Thái có mặt ở Nghệ An khoảng thế kỷ X. Luận cứ của tác giả là căn cứ vào việc nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử di cư của người Táy Mèn ở tỉnh Khăm Muộn (Lào) vốn có nguồn gốc từ Xiềng Mèn ở Tương Dương - Nghệ An (Nguyễn Đình Lộc, 1993, tr.50).
Dựa vào kết quả phân tích di vật tìm được trong các di tích khảo cổ ở vùng miền núi Nghệ An và các truyền thuyết, chuyện kể của người Thái ở vùng đường 7, Diệp Đình Hoa đã nhận xét: “Từ thế kỷ thứ X, có một đợt sóng thiên di của người Thái vào đất Nghệ An liên tục cho đến thế kỷ XIII. Họ đã vào vùng này theo đường sông Cả chia làm nhiều đợt khác nhau” (Vi Văn Biên, 2006, tr.32,33).
Các nguồn tài liệu của Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học và những văn bản chữ Thái... đã chứng tỏ Quỳ Châu là quê hương lâu đời của người Thái. Điều này cũng được khẳng định trong cuốn Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (1978) và cuốn Sổ tay về các dân tộc Việt Nam (1999) do Viện Dân tộc học biên soạn. Theo nhiều nguồn tài liệu thì sự có mặt các nhóm Thái ở vùng núi Nghệ An rõ rệt nhất vào thời Trần và thời thuộc Minh từ thế kỷ XIII - XV. Ở Quỳ Châu, nhóm Táy Mường là nhóm quan trọng nhất và là nhóm đến cư trú sớm nhất so với các nhóm khác. Sử cũ chép vào thời thuộc Minh có Cầm Quý làm Tri châu Ngọc Ma, khi Lê Lợi đem quân vào Nghệ An, Cầm Quý đã đem toàn bộ dân binh gia nhập nghĩa quân. Theo truyền thuyết, vùng Mường Noọc (Châu Kim, Quế Phong) là nơi tụ cư của đồng bào Táy Mường; cho đến nay nhiều người Thái ở Mường Noọc vẫn có người tự nhận mình là người Quỳ (Nguyễn Đình Lộc, 1993, tr.51).
Từ thế kỷ XIV trở đi, ngoài các bộ phận người Thái đã định cư từ trước, ở vùng đường 7 còn được bổ sung thêm dân cư bằng những đợt chuyển cư liên tục, kéo dài từ vùng Tây Bắc qua Thanh Hóa vào Phủ Quỳ, rồi từ vùng Phủ Quỳ chuyển sang nhập cư với các bộ phận người Thái ở vùng Con Cuông và hạ Tương Dương. Những bộ phận Thái từ Tây Bắc qua Lào tràn xuống cư trú dọc theo sông Nặm Mộ và các thung lũng hẹp của huyện Kỳ Sơn. Một bộ phận khác tiếp tục đi sâu vào cư trú dọc theo sông Nặm Nơn, cư trú tại các xã vùng sâu của huyện Tương Dương hợp với bộ phận người Thái chuyển từ vùng Phủ Quỳ đến từ trước đó.
Những cuộc chuyển cư này kéo dài cho đến thế kỷ XVIII - XIX, khiến cho vùng Phủ Quỳ trở thành một trung tâm của người Thái ở vùng miền tây Nghệ An. Do sự gia tăng về dân số, vùng Phủ Quỳ trở nên “đất chật người đông” nên một bộ phận người Thái đã di chuyển sang vùng Con Cuông để tìm nơi sinh cơ lập nghiệp. Một bộ phận khác tiếp tục chuyển qua vùng Tương Dương. Bên cạnh đó, còn có một số dòng họ người Thái từ Phủ Quỳ di cư sang vùng Xiêng Khoảng, Bôlikhămxay hợp cư với nhóm Phu Thay ở Lào, nhất là vào những năm xảy ra nạn giặc Cờ Vàng, Cờ Đen (Vi Văn Biên, 2006, tr.38).
Như vậy, chúng ta có thể thấy về thời gian, sự có mặt của từng nhóm Thái ở vùng miền tây Nghệ An nói chung và Quỳ Châu ngày nay nói riêng sớm muộn có khác nhau và trải qua những diễn biến hết sức phức tạp. Trong quá trình định cư ở vùng đất này có nhóm đến trước, có nhóm đến sau, được chia làm nhiều đợt, đã hình thành nên ba nhóm Thái chính, cư trú cho đến ngày nay là Táy Mường, Táy Thanh và Táy Mười. Về cơ bản, các nhóm đều có những nét văn hóa tương đồng. Tuy nhiên, nhóm Táy Mường tự nhận là Thái Trắng (Táy Khao), hai nhóm Táy Thanh và Táy Mười tự nhận là Thái Đen (Táy Đăm) cũng tồn tại những khác biệt nhất định trong đời sống văn hóa của từng cộng đồng, đặc biệt là phong tục tập quán.
3. Người Kinh (Việt)
Sau người Thái, người Kinh cũng là một bộ phận quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của vùng đất Quỳ Châu. Cộng đồng người Kinh ở Quỳ Châu được tập hợp bởi nhiều nguồn và diễn ra trong nhiều thời điểm khác nhau. Ở Quỳ Châu, người Kinh cư trú trên nhiều địa bàn và thường sống xen kẽ với nhiều dân tộc khác nên việc làm rõ quá trình tộc người trong lịch sử của người Kinh ở vùng này là một điều hết sức khó khăn.
Từ thời phong kiến, một bộ phận quan lại được đưa lên miền núi theo chính sách “kimi”… của các nhà nước đã góp phần làm tăng sự có mặt của người Kinh ở vùng này. Liên tục trong vài thế kỷ, từ thời Lê - Trịnh đến thời Tây Sơn loạn lạc, chiến tranh nông dân nổi lên khắp nơi, lại thêm thiên tai, dịch bệnh, nạn đói triền miên, tô thuế nặng nề… dòng di cư, phiêu tán từ vùng đồng bằng ven biển kéo lên miền núi ngày càng tăng, bổ sung số lượng người Kinh lên đáng kể (Nguyễn Đình Lộc, 1992, tr.35).
Tuy nhiên, số lượng người Kinh ở Quỳ Châu tăng lên chủ yếu từ những năm 50, 60 của thế kỷ XX trở lại đây. Sau năm 1954, khi Nhà nước có chính sách di dân từ miền xuôi lên vùng miền núi phía tây Nghệ An, thành lập các nông trang, nông trường, lâm trường và các khu kinh tế mới, đã thu hút đông đảo lực lượng lao động từ miền xuôi lên. Làn sóng di dân theo kế hoạch của địa phương cùng với làn sóng di dân tự do đã làm tăng nhanh số lượng dân cư miền núi Nghệ An nói chung và Quỳ Châu nói riêng (Nguyễn Đình Lộc, 1992, tr.35, 36).
Tháng 4 năm 1956, có 80 cán bộ là người Kinh ở miền xuôi lên tăng cường ở Quỳ Châu. Số cán bộ này về sau có nhiều người ở lại định cư lâu dài và trở thành những cư dân người Kinh vốn đang rất ít ở Quỳ Châu lúc bấy giờ.
Năm 1962, theo chủ trương di dân xây dựng các vùng kinh tế mới của tỉnh, nhiều hộ gia đình từ các huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc,… lên định cư ở Quỳ Châu, trong đó nhiều nhất là từ Hưng Nguyên và Diễn Châu. Các hộ gia đình từ Hưng Nguyên tập trung nhiều ở nông trường 12 - 9, nông trường Thái Lão tại các xã Châu Quang, Châu Yên (thuộc huyện Quỳ Hợp hiện nay). Các hộ gia đình từ Diễn Châu tập trung nhiều ở nông trang Hoa Hải, nông trang Viên Châu tại các xã Châu Hạnh, Châu Bính.
Từ năm 1961 đến năm 1963, có hơn 200 giáo viên miền xuôi được tăng cường lên Quỳ Châu công tác. Một bộ phận trong số giáo viên này về sau ở lại Quỳ Châu, lập gia đình và định cư lâu dài cho đến nay. Từ đây, bức tranh dân số, dân tộc Quỳ Châu có sự thay đổi quan trọng. Thành phần dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng số dân của huyện Quỳ Châu.
Theo số liệu báo cáo của Ban Cán sự bản Việt Hương, đầu năm 1963, có 73 hộ gia đình, gồm 427 nhân khẩu, người Việt Nam hồi hương từ Thái Lan về nước được bố trí định cư tại xã Châu Hội, lập thành xóm Việt Kiều. Năm 1968, xóm Việt Kiều được đổi tên thành làng, với tên gọi là làng Việt Hương (Việt có ý nghĩa là người Việt Nam; Hương là hồi hương về Việt Nam). Hiện nay (năm 2009) làng Việt Hương có 142 hộ với 568 nhân khẩu.
Từ năm 1980, dòng chuyển cư từ các huyện đồng bằng lên vùng kinh tế mới vẫn tiếp tục diễn ra. Năm 1984, huyện Quỳ Châu đã đón 10 hộ, 33 nhân khẩu từ huyện Quỳnh Lưu và 20 hộ từ xã Đức Quang, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Hiện tại các hộ gia đình chuyển cư từ Đức Thọ đến đang sinh sống tại khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc.
Có một bộ phận khá lớn cư dân người Kinh sinh sống trong các nông, lâm trường quốc doanh là công nhân viên chức nhà nước. Họ là lực lượng đông đảo nhất mang những sắc thái văn hóa của người Kinh lên vùng đất này. Trong quá trình cộng cư, cộng đồng này đã có sự giao thoa văn hóa với các dân tộc thiểu số trong vùng. Ngoài sự tiếp thu các sắc thái văn hóa của địa phương, cộng đồng này cũng có những tác động to lớn trên nhiều mặt kinh tế, chính trị, văn hóa… làm thay đổi các hoạt động trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Ngoài các khu nông, lâm trường, cộng đồng người Kinh chủ yếu sinh sống tập trung ở thị trấn và dọc tuyến đường 48, đồng thời có một bộ phận sống đan xen trong các bản với người Thái.
Như vậy có thể thấy, trong suốt quá trình lịch sử cũng như hiện nay, ở Quỳ Châu, đồng bào dân tộc Kinh, dân tộc Thái và các dân tộc khác luôn chung sống hòa hợp, thân ái, đoàn kết cùng nhau bảo vệ, xây dựng và không ngừng phát triển nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của quê hương Quỳ Châu./.